"EU vừa thông qua một trong những gói trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay nhằm vào Nga," Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Kaja Kallas thông báo trên mạng xã hội X, đồng thời cảnh báo rằng EU sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp như trên cho đến khi Nga ngừng chiến dịch tại Ucraina.
Theo các nhà ngoại giao, gói trừng phạt mới sẽ hạ giá trần dầu thô xuất khẩu của Nga xuống còn 47,6 USD/thùng, đồng thời bao gồm các biện pháp nhằm vào ngành tài chính của Nga và lệnh cấm các giao dịch liên quan đến các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream của Nga trên Biển Baltic.
Người phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Kaja Kallas tại một phiên họp hôm 14/7/2025 (Ảnh: Reuters)
Ngoài ra, theo bà Kallas, gói trừng phạt mới cũng nhắm vào 105 tàu trong "đội tàu bóng tối" của Nga. Đây là cụm từ mà các quan chức phương Tây sử dụng để chỉ những tàu mà Nga khai thác để lách lệnh hạn chế xuất khẩu dầu.
Đồng thời, bà Kallas cho biết EU sẽ trừng phạt những ngân hàng Trung Quốc hỗ trợ Nga lách các lệnh trừng phạt, nhưng bà không nêu tên những ngân hàng này.
Tàu "Eventin" ngoài khơi Đức tháng 4/2025 được cho là một trong những tàu mà Nga sử dụng để lách lệnh trừng phạt (Ảnh: Reuters)
Cùng ngày, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremli Dmitry Peskov nói rằng gói trừng phạt mới của EU, giống như trước đây, sẽ gây hại cho những quốc gia khởi xướng trừng phạt.
Trong khi đó, Ucraina hoan nghênh gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy gọi quyết định trên là "thiết yếu và kịp thời" trong bối cảnh Nga đang tăng cường không kích các thành phố và làng mạc của Ucraina. Ngoại trưởng Andrii Sybiha cho rằng việc tước đoạt nguồn thu từ dầu mỏ của Nga đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt xung đột.
Lực lượng cứu hỏa Ucraina dập lửa sau vụ tấn công tại Odesa, Ucraina ngày 11/7/2025 (Ảnh: AP Photo)
EU đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt lên Nga kể từ khi Tổng thống nước này Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina ngày 24/2/2022. Đến nay, hơn 2.400 quan chức và thực thể - thường là các cơ quan chính phủ, ngân hàng, công ty hoặc tổ chức - bị EU đóng băng tài sản và cấm đi lại.
Tuy nhiên, EU ngày càng khó đạt được đồng thuận về những gói trừng phạt trên do các biện pháp này gây tổn hại đến nền kinh tế của 27 quốc gia thành viên. Gói trừng phạt mới nhất bị đình trệ nhiều tuần do Slovakia yêu cầu kế hoạch nhằm loại bỏ dần sự phụ thuộc của EU vào dầu khí Nga.
VIỆT HÙNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/eu-thong-qua-goi-trung-phat-moi-nham-vao-nga-222250718185802815.htm