Doanh nghiệp chân chính lao đao vì “gọng kìm” hàng giả và thông tin giả

(HTV) - Hàng giả tinh vi, thông tin giả tràn lan, cùng những kẽ hở pháp lý đang tạo nên áp lực kép đè nặng lên doanh nghiệp, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng hành từ cả hệ thống chính trị và xã hội.

Tại tọa đàm "Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp" do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã cùng nhau chỉ rõ thực trạng đáng báo động về mức độ tinh vi và phức tạp của hàng giả, hàng nhái hiện nay. Không chỉ dừng lại ở việc sao chép sản phẩm, các đối tượng vi phạm còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để "hợp pháp hóa" hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp chân chính.

Doanh nghiệp chân chính lao đao vì “gọng kìm” hàng giả và thông tin giả - Ảnh 1.

tọa đàm "Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp"

Một thủ đoạn phổ biến hiện nay là việc cố tình đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với các thương hiệu uy tín đã có mặt trên thị trường. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, chính các đối tượng này quay lại khởi kiện doanh nghiệp thật vì hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – quyền mà họ đã sở hữu hợp pháp về mặt thủ tục. Đây là hệ quả của nguyên tắc "nộp đơn trước được quyền trước" trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Dù nguyên tắc này mang tính phổ quát, song lại bộc lộ nhiều bất cập trong bối cảnh thực tế tại Việt Nam, nơi nhiều thương hiệu đã được sử dụng ổn định và có độ nhận diện cao nhưng lại chưa kịp đăng ký.

Doanh nghiệp chân chính lao đao vì “gọng kìm” hàng giả và thông tin giả - Ảnh 5.

Hàng giả, hàng nhái và thông tin giả đang tạo ra thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thẳng thắn cho rằng các cơ quan quản lý đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian để xử lý các vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn hạn chế khi hành lang pháp lý hiện hành chưa theo kịp những thủ đoạn mới phát sinh từ thực tế. Trong khi đó, từ góc nhìn của doanh nghiệp, Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý cho Công ty CP Nhựa Bình Minh – cũng phản ánh tình trạng nhiều đơn vị cố tình đăng ký tên nhãn hiệu gần giống với thương hiệu của doanh nghiệp ông, gây nhầm lẫn nghiêm trọng trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và uy tín doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chân chính lao đao vì “gọng kìm” hàng giả và thông tin giả - Ảnh 2.

Giải pháp hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Không dừng lại ở lĩnh vực pháp lý, doanh nghiệp hiện nay còn đối mặt với một nguy cơ khác mang tính "tàng hình" nhưng hậu quả không kém phần nghiêm trọng: thông tin giả và truyền thông bẩn. Ông Vũ Quang Phúc - Tổng Giám đốc Công ty CP PTTM Mekong Việt Nam, dẫn chứng một tình huống điển hình khi sản phẩm bị thu hồi theo chủ trương của Nhà nước để rà soát chất lượng, nhưng lại bị đưa tin thiếu đầy đủ khiến người tiêu dùng hiểu lầm là hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo ông Phúc, đây là biểu hiện rõ nét của việc lợi dụng thông tin sai lệch để câu like, câu view trên mạng xã hội, gây thiệt hại lớn về danh tiếng cho những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và tuân thủ pháp luật.

Doanh nghiệp chân chính lao đao vì “gọng kìm” hàng giả và thông tin giả - Ảnh 4.

Tọa đàm là diễn đàn để nhiều bên cùng nhìn nhận, phân tích và kiến nghị giải pháp ngăn chặn hàng giả, thông tin giả.

Tác hại của hàng giả, hàng nhái không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà còn trực tiếp đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP.HCM, Bộ Y tế, cho biết hiện nay, Viện cùng hệ thống kiểm nghiệm trên cả nước đang tích cực kiểm tra, phân tích, xác định và công bố các sản phẩm vi phạm để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Tuy nhiên, công tác kiểm nghiệm cũng gặp nhiều khó khăn nếu thiếu đi sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng và doanh nghiệp.

Với vai trò là đơn vị tổ chức, nhà báo Nguyễn Thái Bình – Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM khẳng định, báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái và thông tin giả. Báo Pháp Luật TP.HCM luôn lấy tôn chỉ trở thành trợ thủ pháp lý đắc lực cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời là cầu nối đáng tin cậy giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cấp chính quyền.

Doanh nghiệp chân chính lao đao vì “gọng kìm” hàng giả và thông tin giả - Ảnh 3.

Bảo vệ thương hiệu, uy tín và sức khỏe cộng đồng là mục tiêu chung trong cuộc chiến chống hàng giả.

Toàn bộ ý kiến, kiến nghị được nêu tại tọa đàm sẽ được Báo Pháp Luật TP.HCM tổng hợp, gửi tới các cơ quan có thẩm quyền nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bền vững và công bằng hơn cho các doanh nghiệp chân chính.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

PHƯƠNG THANH - MINH CHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV

Link nội dung: https://htv.com.vn/doanh-nghiep-chan-chinh-lao-dao-vi-gong-kim-hang-gia-va-thong-tin-gia-222250713103536854.htm