Là địa bàn tập trung đông dân cư, TP.HCM cũng là thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm rất lớn. Trong nhiều năm qua, Thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát, phát hiện kịp thời thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
TP.HCM là thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm rất lớn
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, để ngăn ngừa thực phẩm bẩn, thì vẫn rất cần vai trò của các tiểu thương, người tiêu dùng, nhất là tại các chợ truyền thống.
Tại chợ Tân Định - phường Tân Định, hiện có hơn 500 hộ kinh doanh các ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, tập huấn về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho các tiểu thương, cũng như kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hương, tiểu thương tại chợ Tân Định (phường Tân Định)
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hương, tiểu thương tại chợ Tân Định (phường Tân Định) cho biết bán hàng phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, hàng hóa cũng phải rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ban quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở, khuyến khích tiểu thương như bà Hương nên chuyển sang thanh toán qua chuyển khoản để hạn chế dùng tiền mặt. Việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp giao dịch thuận tiện hơn, đảm bảo vệ sinh vì hạn chế tiếp xúc với tiền, từ đó giảm bớt lo ngại về an toàn thực phẩm khi buôn bán..
Bà Trương Thị Chín, tiểu thương chợ Tân Định, khẳng định luôn ưu tiên sự hài lòng của khách và chỉ bán rau củ rõ nguồn gốc
Là chủ sạp rau tại chợ Tân Định (phường Tân Định), bà Trương Thị Chín cho biết luôn đặt sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu, vì vậy bà tuyệt đối không bán hàng kém chất lượng. Các loại rau củ, đặc biệt là nấm, đều được nhập từ Đà Lạt với nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Bình Phương - Giám đốc Bộ phận Kinh doanh dịch vụ, Chợ đầu mối Nông Sản Thủ Đức, TP.HCM cho biết các xe chở hàng vào chợ phải cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định thì mới được phép nhập hàng vào các quầy sạp. Chợ đã thành lập 4 tổ kiểm tra thường xuyên để giám sát hoạt động kinh doanh. Các mặt hàng phải có sổ ghi chép nguồn gốc xuất xứ và bảng giá được niêm yết đầy đủ mỗi ngày. Từ đầu năm đến nay, đã phối hợp với Đội 2 của Sở An toàn thực phẩm, và đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp nào vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm của toàn xã hội
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm lớn của nhiều người, cần sự chung tay của toàn xã hội. Bên cạnh việc nâng cao công tác quản lý, kiểm tra thì các cơ sở kinh doanh sản xuất cần nâng cao đạo đức kinh doanh, thực hiện tốt quy định pháp luật trong kinh doanh, mỗi cá nhân cần tự trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, khi phát hiện sai phạm cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
MINH NGỌC - VIỆT TRUNG - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/dam-bao-an-toan-thuc-pham-trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai-222250713121656611.htm