Đã đến lúc bung sức với hạ tầng – tài chính – logistics cho Siêu đô thị TP.HCM

(HTV) - TP.HCM đang đứng trước thời điểm “vàng” để phát triển thành siêu đô thị. Thành phố cần bản lĩnh hành động quyết liệt với một tầm nhìn dài hạn, quy hoạch linh hoạt và sự phối hợp vùng hiệu quả.

Hạ tầng giao thông – "mạch máu" của đô thị – đang từng bước được hình thành, tạo nền tảng cho một TP.HCM mới sau sáp nhập. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển nhanh – mạnh – bền vững, thành phố cần sớm có các chính sách tổng thể nhằm kết nối đồng bộ hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch, khai thác hiệu quả quỹ đất và thúc đẩy phát triển logistics – tài chính – công nghiệp – cảng biển.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ – cho rằng TP.HCM cần khẩn trương triển khai các dự án kết nối hạ tầng liên vùng, khép kín Vành đai 2, đẩy nhanh tiến độ Vành đai 3 và khởi động xây dựng Vành đai 4.

Siêu đô thị TP.HCM: Đã đến lúc bung sức với hạ tầng – tài chính – logistics - Ảnh 1.

Hạ tầng giao thông – "mạch máu" của đô thị – đang từng bước được hình thành, tạo nền tảng cho một TP.HCM mới sau sáp nhập

Song song đó, hệ thống cao tốc và đường sắt đô thị cần được mở rộng, không chỉ phục vụ nội đô mà còn kết nối vùng với Bình Dương, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. “Tất cả những tuyến này sẽ thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,” ông Ngân nhấn mạnh.

Về định hướng dài hạn, TP.HCM đang từng bước triển khai mô hình trung tâm tài chính và logistics tầm cỡ khu vực và thế giới. Trong đó, cảng nước sâu nằm trong top 21 thế giới sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, tạo đà cho phát triển kinh tế vùng.

Theo ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – sau sáp nhập, TP.HCM cần xem xét lại toàn bộ hệ thống hạ tầng “cứng và mềm”, bao gồm cả quy hoạch hiện hữu và định hướng phát triển mới.

“Chúng ta phải rà soát lại quỹ đất dành cho logistics, xem xét các chi phí liên quan – trong đó có phí hạ tầng cảng biển – để tránh tình trạng chênh lệch giữa các khu vực. Hiện nay, quy định chỉ áp dụng cho TP.HCM mà không áp dụng cho Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu là không còn phù hợp,” ông Hiệp phân tích.

Siêu đô thị TP.HCM: Đã đến lúc bung sức với hạ tầng – tài chính – logistics - Ảnh 2.

Ông Lê Duy Hiệp chia sẻ phải rà soát lại quỹ đất dành cho logistics, xem xét các chi phí liên quan – trong đó có phí hạ tầng cảng biển – để tránh tình trạng chênh lệch giữa các khu vực

Ngoài ra, ông nhấn mạnh việc cần “kết nối sức mạnh” của cả ba địa phương để phát huy thế mạnh vùng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh tổng thể cho TP.HCM mở rộng.

Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM – cho biết công tác quy hoạch đã được chuẩn bị từ 3-5 năm trước khi tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính.

Cách làm này giúp rút ngắn giai đoạn chuẩn bị và đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, tránh bỏ lỡ thời cơ phát triển. Quỹ đất tại trung tâm TP.HCM gần như đã cạn. Tuy nhiên, sau sáp nhập, thành phố có thêm nguồn lực từ Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu – những địa phương vẫn còn dư địa để phát triển.

Ông Lê Duy Hiệp cho rằng cần có tầm nhìn dài hạn từ 15 – 20 năm để chuẩn bị quỹ đất không chỉ phục vụ logistics mà còn cho các mục tiêu quốc kế dân sinh khác: “Quỹ đất phải được quy hoạch đồng bộ, tạo dư địa cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị vệ tinh.”

Siêu đô thị TP.HCM: Đã đến lúc bung sức với hạ tầng – tài chính – logistics - Ảnh 3.

Sau sáp nhập, tổng vốn đầu tư công cho TP.HCM năm nay đạt hơn 118.000 tỷ đồng

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho biết, sau sáp nhập, tổng vốn đầu tư công cho TP.HCM năm nay đạt hơn 118.000 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm, thành phố đã giải ngân 46.686 tỷ đồng, đạt 39,2% kế hoạch – cao hơn bình quân cả nước.

Bên cạnh đầu tư công, việc huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là khu vực tư nhân và nhà đầu tư quốc tế, cũng là hướng đi chiến lược. “Chúng ta cần đẩy mạnh các hình thức hợp tác công – tư (PPP) để đầu tư vào hạ tầng giao thông, trung tâm tài chính quốc tế, khu công nghệ cao...”, ông Ngân đề xuất.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

THU TÌNH - THIỆN TÙNG - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV

Link nội dung: https://htv.com.vn/da-den-luc-bung-suc-voi-ha-tang-tai-chinh-logistics-cho-sieu-do-thi-tphcm-222250705124109657.htm