Chiến lược thu hút chuyên gia của ĐHQG - HCM và TP.HCM

̣(HTV) - Yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về thu hút 100 chuyên gia hàng đầu về nước đang "nóng". Các chuyên gia nhận định: bên cạnh lương cao, chính sách hỗ trợ gia đình, môi trường làm việc thuận lợi, tôn trọng tri thức mới là yếu tố cốt lõi để tạo nên "không gian tự chủ, phát triển và đóng góp" cho nhân tài.

ĐHQG-HCM tiên phong tạo dựng "không gian" cho Nhà khoa học

Chương trình VNU350 của Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) đang cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc thu hút nhân tài, tiêu biểu là TS. Nguyễn Thị Trúc Ly - Người đã chọn về Việt Nam sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc). Cùng với 49 tiến sĩ VNU350, ĐHQG-HCM còn thu hút 49 giáo sư thỉnh giảng.

Từ "Không gian tự chủ" đến đóng góp Quốc gia: Chiến lược thu hút chuyên gia của ĐHQG - HCM và TP.HCM - Ảnh 1.

Đại học Quốc gia TP.HCM đang thực hiện nhiều chương trình thu hút và phát triển các nhà khoa học trẻ

PGS.TS. Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, nhấn mạnh tầm quan trọng của ba yếu tố then chốt trong việc tạo dựng môi trường làm việc lý tưởng cho các nhà khoa học. Đó là việc đảm bảo không gian tự chủ để họ chủ động thành lập nhóm, đề xuất hướng nghiên cứu và các phòng thí nghiệm mới. Kế đến là không gian phát triển, giúp họ hòa nhập với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế, hướng tới các học hàm, chức danh cao hơn. Cuối cùng, không gian đóng góp là điều kiện để các nhà khoa học giải quyết các nhiệm vụ chiến lược quốc gia và khu vực, mang lại ý nghĩa cống hiến cụ thể cho đất nước.

Từ "Không gian tự chủ" đến đóng góp Quốc gia: Chiến lược thu hút chuyên gia của ĐHQG - HCM và TP.HCM - Ảnh 2.

Môi trường làm việc cởi mở, tôn trọng tri thức là yếu tố then chốt thu hút chuyên gia đầu ngành trở về cống hiến cho Việt Nam

TP.HCM: Chính sách hấp dẫn kết hợp môi trường thực chất

Giai đoạn 2018-2023, TP.HCM đã thành công thu hút 10 chuyên gia, nhà khoa học vào làm việc. Điều này có được nhờ các chính sách đãi ngộ đáng kể mà Thành phố đã áp dụng, bao gồm mức thu nhập khởi điểm lên đến 100 triệu đồng/tháng, cùng với hỗ trợ nhà ở và ưu đãi cho các hoạt động khởi nghiệp và nghiên cứu.

Bà Lương Thị Lệ Hằng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, khẳng định Thành phố đang tập trung xây dựng môi trường làm việc thực chất, minh bạch và phát triển lâu dài. Các nỗ lực này thể hiện qua việc thành lập Hội đồng thu hút chuyên gia, mở rộng hợp tác quốc tế, xúc tiến hình thành các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc (CoE) trong các lĩnh vực chiến lược như vi mạch, công nghệ sinh học, AI. Đồng thời, Thành phố cũng đang triển khai cơ chế thử nghiệm công nghệ (sandbox) và định hình các hệ sinh thái "nghiên cứu - đào tạo - công nghiệp" theo mô hình tam giác: đại học - doanh nghiệp - chính quyền.

Mục tiêu cuối cùng là biến TP.HCM thành nơi các chuyên gia không chỉ làm việc mà còn có thể biến mỗi đóng góp thành sản phẩm, chính sách và sự phát triển bền vững cho Thành phố nói riêng và đất nước nói chung.

Với sự hợp lực mạnh mẽ từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học, TP.HCM kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hàng đầu, nơi các chuyên gia tìm thấy cơ hội để tỏa sáng và cống hiến, góp phần xây dựng Thành phố thành trung tâm Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu khu vực.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

HỒNG DIỄM - TRẦN TÚ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV

Link nội dung: https://htv.com.vn/chien-luoc-thu-hut-chuyen-gia-cua-dhqg-hcm-va-tphcm-222250718105538243.htm