Chiến dịch kỷ niệm 35 năm phòng chống HIV/AIDS đã bắt đầu lan tỏa bằng nhiều hoạt động thiết thực, hướng tới mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030, nhằm thay đổi cách nhìn của xã hội: HIV không còn là “án tử”, mà là bệnh mãn tính có thể kiểm soát bằng thuốc, người nhiễm có thể sống khỏe mạnh, hòa nhập bình thường nếu tuân thủ điều trị.
Chiến dịch kỷ niệm 35 năm phòng chống HIV/AIDS đã bắt đầu lan tỏa bằng nhiều hoạt động thiết thực
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng đã chung sống với HIV gần 30 năm qua, vô cùng xúc động khi thấy các hoạt động cộng đồng như thế này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Bà Thu Hồng chia sẻ: Trước đây, khi được chẩn đoán nhiễm HIV, nhiều người xem đó như một "án tử". Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại cùng các liệu pháp điều trị và biện pháp phòng ngừa như PreP, HIV đã không còn là nỗi ám ảnh quá đáng sợ.
Các chiến dịch truyền thông ngày càng lan tỏa sâu rộng, với hơn 288 triệu lượt người được truyền thông về HIV/AIDS
Triển lãm hành trình 35 năm HIV tại Việt Nam, thảm đỏ đồng hành, tọa đàm – hỏi đáp, cam kết đồng hành... Tất cả hoạt động này đều nhằm kết nối cộng đồng, gia tăng nhận thức xã hội và hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Theo báo cáo mới nhất, từ đầu năm 2025, cả nước ghi nhận 4.586 trường hợp nhiễm HIV mới và 527 trường hợp tử vong, nâng tổng số người đang sống chung với HIV lên gần 250.000. Đáng chú ý, việc mở rộng chương trình điều trị ARV cùng tỷ lệ 91% bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế đã góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Từ đầu năm 2025, cả nước ghi nhận 4.586 trường hợp nhiễm HIV mới và 527 trường hợp tử vong
Dù số ca nhiễm mới giảm, chương trình phòng chống HIV tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tiếp cận các nhóm nguy cơ cao, di biến động, lao động tại khu công nghiệp và thanh thiếu niên. Kỳ thị, đặc biệt là tự kỳ thị, vẫn là rào cản lớn trong việc dự phòng và điều trị.
Bà Bùi Nguyệt Nga - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vạn Thái Land, Chủ đầu tư Trung tâm thương mại Parc Mall cho biết lần đầu tiên, được sự đồng ý của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm thương mại Parc Mall đã có cơ hội góp phần vào dự án ý nghĩa, góp phần giúp xã hội có cái nhìn khách quan hơn về những người nhiễm HIV.
Nhiều trường hợp bị lây nhiễm HIV chủ yếu do không có kiến thức. Vì thế, việc nâng cao nhận thức là điều quan trọng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng cần được quan tâm hơn, cần sự chung tay nhiều hơn.
Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân - Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM
Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân - Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, chia sẻ: đến thời điểm hiện tại, những người đang chung sống với HIV đã đủ tự tin để mở lòng kể về những trải nghiệm của bản thân. Họ sẵn sàng chia sẻ về quá trình phấn đấu để có thể sống vui vẻ và cống hiến những điều có ích cho xã hội.
Các chiến dịch truyền thông ngày càng lan tỏa sâu rộng, với hơn 288 triệu lượt người được truyền thông về HIV/AIDS, góp phần thay đổi nhận thức xã hội, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, cũng như củng cố hệ thống hỗ trợ cộng đồng.
TRUNG HẬU - XUÂN HẠO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/chien-dich-ky-niem-35-nam-phong-chong-hiv-aids-tai-viet-nam-222250706174419713.htm