Dưới ánh nắng chói chang của vùng Riviera, Thổ Nhĩ Kỳ, một cảnh tượng độc đáo và rực rỡ đang diễn ra: hàng ngàn tấm thảm thủ công đủ màu sắc được trải dài trên những cánh đồng rộng lớn. Đây không chỉ là một phương pháp truyền thống để giặt và phơi khô thảm mà còn biến khu vực này thành một điểm đến văn hóa không thể bỏ qua.
Hàng ngàn tấm thảm thủ công rực rỡ sắc màu được trải dài phơi khô dưới ánh nắng chói chang trên cánh đồng ở Dosemealti, Thổ Nhĩ Kỳ
Những tấm thảm quý giá này, được chuyển đến từ nhiều vùng khác nhau của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các quốc gia lân cận như Iran, Afghanistan hay Moldova, sẽ được phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên. Quá trình phơi thảm thường kéo dài từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 9, thời gian cụ thể tùy thuộc vào nhiệt độ và điều kiện thời tiết của từng ngày.
Ông Salih Simsek - chuyên gia trong ngành dệt thảm Thổ Nhĩ Kỳ, giải thích về lý do chọn địa điểm này: "Khí hậu nơi đây lý tưởng với độ ẩm và nhiệt độ ban đêm phù hợp, đảm bảo giữ nguyên chất lượng và màu sắc của thảm." Để bảo vệ những sản phẩm giá trị này, đội ngũ nhân viên làm việc 24/24, luôn sẵn sàng thu dọn thảm nhanh chóng trước khi trời đổ mưa.
Khung cảnh ngoạn mục của cánh đồng thảm phơi khô, thu hút du khách từ nhiều nơi
Khung cảnh ngoạn mục với những tấm thảm rực rỡ trải dài bất tận đã biến Dosemealti trở thành một điểm thu hút đặc biệt. "Cả du khách và những người đam mê trong nước đều đến tham quan, và có cả các nhà làm phim tài liệu. Vẻ đẹp của chúng nhận được nhiều sự quan tâm từ mọi người," ông Salih Simsek chia sẻ thêm.
Các chuyên gia kiểm tra chất lượng và màu sắc của thảm trong quá trình phơi, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn trước khi được đưa đi
Hoạt động giặt và phơi thảm truyền thống này không chỉ duy trì một nét văn hóa đặc sắc mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho địa phương và các làng lân cận mỗi năm, góp phần phát triển kinh tế vùng và bảo tồn nghề thủ công truyền thống.
NHƯ YẾN - VIỆT TOÀN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/canh-dong-phoi-tham-thu-cong-tai-tho-nhi-ky-22225070621045008.htm