"Campuchia yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như giải pháp hòa bình cho bất đồng hiện nay", Đại sứ Campuchia Keo Chhea trả lời phóng viên, "Hội đồng Bảo an kêu gọi cả hai bên kiềm chế tối đa và tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Đó cũng là lời kêu gọi của chúng tôi."
Phát biểu được đưa ra sau phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về xung đột biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, có sự tham gia của đại diện hai nước trên.
Campuchia triển khai pháo phản lực bắn loạt BM-21 Grad đến tỉnh Oddar Meanchey ngày 25/7 (Ảnh: Reuters)
Đại sứ Keo Chhea cũng đáp trả các cáo buộc rằng Campuchia là bên nổ súng trước. Ông đặt nghi vấn làm thế nào mà một quốc gia nhỏ hơn, không sở hữu không quân, lại dám tấn công một quốc gia có diện tích lớn hơn nhiều và có quân đội lớn gấp ba lần. "Chúng tôi không làm thế", ông Keo Chhea nói.
Hãng tin AP dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên của Hội đồng Bảo an cho biết tất cả 15 thành viên đã kêu gọi Thái Lan và Campuchia xuống thang căng thẳng, kiềm chế và giải quyết xung đột một cách hòa bình. Hội đồng trên cũng kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hỗ trợ giải quyết các cuộc giao tranh ở khu vực biên giới hai nước.
Quân đội Thái Lan huy động pháo đến tỉnh Surin ngày 25/7 (Ảnh: Reuters)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura nói với hãng tin AFP rằng giao tranh đã bắt đầu hạ nhiệt chiều 25/7, đồng thời cho biết Bangkok sẵn sàng tham gia đàm phán, có thể với sự hỗ trợ của Malaysia - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Trong khi đó, báo "Bernama" của Malaysia dẫn lời Thủ tướng nước này Anwar Ibrahim ngày 25/7 cho biết: Thái Lan và Campuchia đã đồng ý ngừng bắn và rút quân khỏi khu vực biên giới, nhưng cần thêm thời gian để triển khai. Ông Anwar cho biết đã thảo luận với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Phumtham Wechayachai, kêu gọi lãnh đạo hai nước tạo điều kiện cho đối thoại hòa bình và giải pháp ngoại giao.
Người dân Thái Lan tại một trung tâm sơ tán ở tỉnh Surin ngày 25/7 (ảnh: AP)
Giao tranh nổ ra sáng sớm 24/7, nhanh chóng leo thang từ hỏa lực vũ khí nhỏ đến pháo kích dữ dội ở nhiều khu vực.
Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết hơn 35.000 người dân nước này đã phải rời bỏ nhà cửa, trong khi Bộ Y tế Thái Lan cho biết hơn 138.000 người tại nước này đã được sơ tán khỏi những vùng biên giới.
Theo chính phủ hai nước, tổng số người thiệt mạng trong cuộc xung đột hiện là 32 người, gồm 19 người ở Thái Lan và 13 người ở Campuchia.
NHẬT MINH - VIỆT HÙNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/campuchia-keu-goi-ngung-ban-ngay-lap-tuc-voi-thai-lan-222250726112520384.htm