Từ năm 2021 đến nay, hàng ngàn mô hình, sáng kiến cải cách hành chính đã được triển khai, góp phần đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn quy trình và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp – nhất là trong bối cảnh yêu cầu chuyển đổi số ngày càng cao hiện nay.
Theo đó, dược sĩ trẻ 9X Nguyễn Duy Anh đã xuất sắc giành giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo cải cách hành chính lần thứ 2 năm 2024, với mô hình 'Ứng dụng dược lâm sàng Bệnh viện Bình Thạnh'. Không phụ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật lập trình, ứng dụng này tích hợp nhiều tính năng thiết thực như quản lý dữ liệu, tra cứu thông tin chuyên môn và hỗ trợ tính toán các chỉ số y học, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dược lâm sàng tại bệnh viện.
Dược sĩ Nguyễn Duy Anh – Khoa Dược, Bệnh viện Bình Thạnh, TP.HCM – cho biết, trước đây, các công tác liên quan đến dược lâm sàng như cung cấp thông tin thuốc, hỗ trợ điều trị, báo cáo phản ứng có hại của thuốc và tính toán các chỉ số y học đều được thực hiện thủ công, chủ yếu bằng phương pháp ghi chép giấy.
Ứng dụng đưa thông tin bệnh lý của bệnh nhân đến dược sĩ kịp thời
Tuy nhiên, với việc triển khai ứng dụng dược lâm sàng mới, toàn bộ quy trình này đã được số hóa, giúp nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian xử lý. Khi bác sĩ tại các khoa lâm sàng phát hiện một trường hợp dị ứng thuốc, thông tin có thể được báo cáo trực tuyến và ngay lập tức chuyển đến dược sĩ phụ trách để kịp thời xử lý. Ứng dụng cũng cho phép trao đổi hai chiều giữa các bộ phận chuyên môn, giúp việc phối hợp điều trị trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đáng chú ý, thời gian để hoàn thành một hồ sơ báo cáo phản ứng có hại của thuốc hiện chỉ còn khoảng 5 phút, thay vì mất tới 30 phút như trước kia.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Trung Đệ – Giám đốc Bệnh viện Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ rằng, nhờ hệ thống thông tin nội bộ, các bác sĩ tại bệnh viện có thể nhanh chóng truy cập dữ liệu bệnh nhân, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp, góp phần hạn chế sai sót và giảm thiểu các phản ứng phụ của thuốc.
Về mặt triển khai, theo bác sĩ Đệ, quá trình ứng dụng không gặp quá nhiều khó khăn do bệnh viện đã có sự chuẩn bị và tổ chức từ trước, cùng với đó là hệ thống phần mềm được trang bị đầy đủ các chức năng cần thiết. Tuy nhiên, trở ngại bước đầu chủ yếu đến từ sự mới mẻ của giao diện ứng dụng, đặc biệt đối với một số bác sĩ lớn tuổi, dẫn đến việc tiếp cận và thao tác còn chậm. Dù vậy, khi giao diện ngày càng được cải tiến, phổ biến rộng rãi hơn, những khó khăn này dần được khắc phục.
Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ trong quản lý công nhân lưu trú tại nhà trọ cũng đã được triển khai tại phường Tân Thuận Đông, quận 7 trước đây (nay là phường Tân Thuận). Việc tích hợp dữ liệu số giúp cán bộ địa phương dễ dàng nắm bắt tình hình cư trú trên địa bàn, đặc biệt trong giai đoạn sắp xếp, điều chỉnh các đơn vị hành chính. Theo đó, khi xảy ra bất cứ chuyện gì, cán bộ không cần đến tận nơi mà chỉ cần dựa theo hệ thống là có thể liên hệ được với chủ nhà trọ một cách dễ dàng".
Bản đồ trực tuyến nhằm dễ dàng nắm bắt tình hình cư trú trên địa bàn
Ông Châu Tiến Dũng – cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, UBND phường Tân Thuận, TP.HCM – cho biết, việc ứng dụng nền tảng Web GIS trong quản lý khu nhà trọ đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Người dùng chỉ mất khoảng một phút để tra cứu các thông tin cơ bản về chủ nhà trọ, miễn là có hiểu biết cơ bản về công nghệ. Nhờ đó, cơ quan quản lý có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tế trên địa bàn, đặc biệt là trong công tác kiểm tra, giám sát cư trú.
Bên cạnh đó, ứng dụng HEPZA Công vụ – được ví như “thư ký điện tử” trong thời đại số – đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong quá trình xử lý công việc. Với khả năng truy cập và xử lý văn bản ngay trên máy tính hoặc điện thoại di động, ứng dụng giúp đảm bảo công việc không bị gián đoạn, ngay cả khi cán bộ không có mặt tại văn phòng.
Ông Nguyễn Khắc Quang – Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (HEPZA) – cho biết, ứng dụng HEPZA Công vụ cho phép theo dõi toàn bộ quy trình xử lý một hồ sơ, từ khâu tiếp nhận đến khi trả kết quả cho doanh nghiệp, với đầy đủ thông tin về thời gian xử lý ở từng bước.
Nếu có sự chậm trễ tại bất kỳ khâu nào, hoặc khi đến hạn xử lý, hệ thống sẽ tự động gửi cảnh báo đến chuyên viên phụ trách cũng như lãnh đạo Ban, nhằm kịp thời chỉ đạo và xử lý, tránh tình trạng trễ hạn hồ sơ của doanh nghiệp. Theo ông Quang, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hồ sơ đều được giải quyết trước thời hạn; chưa ghi nhận trường hợp nào trễ tiến độ theo quy định.
Bà Nguyễn Võ Minh Thư – Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết, theo kết quả khảo sát và đánh giá gần đây, việc ứng dụng công nghệ trong xử lý công việc đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và hỗ trợ doanh nghiệp, đạt hiệu quả hơn 50% so với trước đây.
Bà Nguyễn Võ Minh Thư – Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (HEPZA)
Phần mềm còn tích hợp chức năng theo dõi, đánh giá hiệu quả công việc định kỳ theo tuần và quý. Qua đó, các khâu chưa đạt yêu cầu sẽ được rà soát, chấn chỉnh kịp thời, góp phần cải thiện quy trình nội bộ. "Nhờ vậy, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc hỗ trợ nhà đầu tư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng từng bước được nâng cao" – bà Thư nhấn mạnh.
TP.HCM đang từng bước chuyển mình trong cải cách hành chính, bằng tinh thần dấn thân, đổi mới của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động. Khi mỗi sáng kiến bắt nguồn từ thực tiễn, mỗi giải pháp đặt người dân, doanh nghiệp vào trung tâm, thì cải cách không chỉ là thay đổi quy trình – mà là làm tốt hơn, hiệu quả hơn và minh bạch hơn.
HỒNG DIỄM - MINH CHƯƠNG - THÁI PHƯƠNG - THÀNH TÂM - TRÚC QUỲNH - THÀNH NGHĨA // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/cai-cach-hanh-chinh-khong-chi-lam-khac-di-ma-phai-lam-tot-hon-22225071419302893.htm