TP.HCM không chỉ là mảnh đất khai sinh của cuộc thi Chuông Vàng Vọng Cổ, sân chơi uy tín dành cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật cải lương mà còn là thành phố tiên phong trong việc thôi thúc sự đổi mới và hiện đại của sân khấu cải lương.
Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc sáp nhập TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ mở ra một cơ hội quý giá để TP Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy việc phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, quảng bá và làm mới những giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc, mà còn góp phần đưa cải lương đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.
Tiết mục mở màn ấn tượng đến từ nhóm tốp ca nhí của CLB Đờn ca tài tử phường Phú Lâm
Chính vì vậy, tại trạm dừng này, chuyến xe Âm thanh Phù sa không chỉ tôn vinh những giá trị của cuộc thi Chuông Vàng Vọng Cổ, mà còn là lời ngợi ca dành cho vẻ đẹp mộc mạc, tinh tế của nghệ thuật đờn ca tài tử, di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Nam Bộ.
Với sự góp mặt của CLB đờn ca tài tử thuộc Trung tâm văn hóa phường Phú Lâm qua những phần biểu diễn đầy sâu lắng như "Lời khuyên của Bác", "Đêm lạnh chùa hoang", "Nỗi lòng người mẹ" và "Non sông thanh bình" đã giúp khán giả có cơ hội hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật này.
Màn kết hợp đặc biệt của Chuông Vàng Như Ý và Nghệ nhân Thanh Tùng
Đáng chú ý, theo chia sẻ từ chủ nhiệm CLB - NNƯT Thanh Hương, một tín hiệu rất tích cực khi tại CLB có những thành viên đã tham gia sinh hoạt từ khi còn nhỏ tuổi. Điều này phần nào thể hiện được sức sống mãnh liệt của Đờn ca tài tử nơi đây.
Không khí chương trình trở nên sôi động khi lần lượt các tiết mục đờn ca tài tử và vọng cổ được trình diễn bởi nhiều thế hệ nghệ sĩ xuất thân từ Chuông Vàng. Không chỉ là những tiết mục đơn ca như "Kiếp cầm ca" của NSƯT Như Huỳnh hay "Mẹ ơi hãy yên lòng" của Chuông Vàng Nguyễn Văn Khởi mà còn là những phần biểu diễn kết hợp giữa hai thế hệ nghệ sĩ như "Bông bồn bồn rụng trắng" giữa NSƯT Như Huỳnh và Chuông Vàng Như Ý hay sự tái ngộ của Chuông Vàng 2017 Nguyễn Văn Khởi và Như Ý với bài tân cổ "Anh ở đầu sông em cuối sông".
Các phần biểu diễn của các nghệ sĩ trưởng thành từ cuộc thi Chuông Vàng Vọng Cổ
Không chỉ trình diễn, chương trình còn mang đến những buổi giao lưu giữa nghệ sĩ và khán giả, chia sẻ hành trình gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Cả ba nghệ sĩ xuất thân từ cuộc thi cũng chia sẻ về hành trình trưởng thành từ sân chơi Chuông Vàng Vọng Cổ và gửi lời động viên đến thế hệ thí sinh năm nay, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn luyện bản lĩnh sân khấu và giữ trọn đam mê với nghề truyền thống.
Trải qua 20 năm tổ chức, có thể thấy Chuông Vàng Vọng Cổ đã đào tạo ra rất nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng và có hoạt động nổi bật. Mỗi mùa giải là một hành trình, mỗi tiếng ca là một phần hồn dân tộc được gìn giữ và thăng hoa. Và hơn cả một cuộc thi, Chuông Vàng Vọng Cổ là nơi hội tụ đam mê, khơi dậy tình yêu Cải lương, và kết nối những tâm hồn đồng điệu với bản sắc dân tộc.
Tuy là điểm kết cho một mùa hành trình, nhưng Âm thanh Phù sa không dừng lại ở đây. Hơi thở của cải lương sẽ tiếp tục được lan tỏa, tiếp tục đồng hành cùng những thế hệ nghệ sĩ trẻ, cùng khán giả khắp mọi miền đất nước. Bởi lẽ, khi còn khán giả yêu nghệ thuật dân tộc, còn tiếng vỗ tay vang lên sau mỗi lớp diễn, thì hành trình ấy vẫn sẽ tiếp diễn – bền bỉ và đầy cảm hứng.
ĐÀI TRUYỀN HÌNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Link nội dung: https://htv.com.vn/am-thanh-phu-sa-mua-3-dam-chim-trong-khong-gian-nghe-thuat-truyen-thong-222250707171540913.htm