Sau khi được giải cứu khỏi lò mổ vào năm 2016, chú heo được đặt tên na ná một danh họa đã “vẽ” hàng trăm bức tranh, bán được hơn 1 triệu USD.
Trong cuốn sách “Pigcasso: The Painting Pig That Saved a Sanctuary” xuất bản ngày 4/8, tác giả Joanne Lefson, đồng thời là chủ nhân của Pigcasso tự nhận mình là “trợ lý cá nhân, cố vấn sáng tạo và quản lý của chú heo nặng hơn 300kg”.
Số tiền thu về từ việc bán tranh sơn dầu của Pigcasso được dùng để gây quỹ cho trung tâm cứu hộ, trả lương nhân viên, xây dựng tài liệu tuyên truyền và các hoạt động khác. “Nếu heo có thể vẽ, chắc chắn nó sẽ thu hút sự chú ý mạnh cho khu bảo tồn”, Joanne Lefson cho biết.
Chú heo Pigcasso hoàn thành bức tranh bằng cách ngậm cọ và vẽ nguệch ngoạc lên khung trắng. Nguồn ảnh: Farm Sanctuary SA.
Joanne Lefson là một nhà bảo vệ quyền động vật. Ngay sau khi mở cửa trung tâm cứu hộ đầu tiên của mình tại Nam Phi, cô đã giải cứu một chú heo con từ lò mổ. Nó lớn lên và ăn mọi thứ, ngoại trừ cọ vẽ.
Một ý tưởng lóe lên trong suy nghĩ của Joanne Lefson. Cô quyết định đưa chú heo của mình đến với hội họa. Từ đó, cái tên Pigcasso - kiểu chơi chữ gợi nhớ đến tên danh họa Picasso - ra đời.
Tranh của Pigcasso được bán rộng rãi. Kể cả những nhân vật nổi tiếng như diễn viên George Clooney - người từng đoạt 2 giải Oscar - cũng tìm mua. Mỗi bức vẽ nguệch ngoạc có thể thu về đến 26.000 USD, được triển lãm ở nhiều nơi. Tổng cộng Joanne Lefson đã kiếm được hơn 1 triệu USD từ việc bán tranh của Pigcasso.
“Tôi bảo đảm câu chuyện về hành trình lạ lùng của con vật này, từ lò mổ đến siêu sao nghệ thuật, là một trong những câu chuyện phi thường nhất mà bạn từng nghe”, Joanne Lefson viết trong “Pigcasso: The Painting Pig That Saved a Sanctuary”.
Khả năng vẽ tranh của chú heo này một phần cũng nhờ vào sự tập luyện, theo lời của chính tác giả sách. Bằng cách thưởng cho Pigcasso những quả nho và thông qua “những bài học trực tiếp với việc tôi bò quanh chuồng, miệng ngậm bàn chải”, Lefson đã dạy cho heo vẽ.
Joanne Lefson cùng với Pigcasso bên trong “studio” của mình. Nguồn ảnh: Farm Sanctuary SA.
Nhà hoạt động này, ước tính Pigcasso đã vẽ khoảng 500 bức tranh. “Câu chuyện của Pigcasso cũng chứng tỏ trí thông minh của heo. Có lẽ tốt hơn nếu chúng ta ngừng nhốt chúng trong các trang trại nuôi giết thịt. Thay vào đó, cho chúng cọ vẽ", Lefson nói thêm.
Theo Telegraph, những bức vẽ nguệch ngoạc từ miệng của một con heo sẽ trở nên ngớ ngẩn hay mê hoặc tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Với Lefson, cô nhìn thấy những nét vẽ có hình dạng riêng biệt, một trật tự trong mớ hỗn độn, “các ô vuông với màu cơ bản của Mondrian hoặc splatter của Jackson Pollock”.
Bìa sách “Pigcasso: The Painting Pig That Saved a Sanctuary”. Nguồn ảnh: Amazon.
Tại sao người ta lại nghĩ đến việc mua tranh của một con heo? Rõ ràng có sự mới lạ. Thị trường nghệ thuật toàn cầu trị giá 67,6 tỷ USD, trong đó bao gồm những mối quan hệ giữa giá cả và sự đánh giá chất lượng chủ quan, dựa trên cảm nhận phức tạp, phi logic.
Từ công việc nuôi dưỡng chú heo của mình, Joanne Lefson nhìn thấy những bài học về “ranh giới giữa sự tình cờ và ý tưởng” nhưng cây bút Roger Lewis của Telegraph gọi đó là “sự cả tin vô hạn của con người”.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9