Phương án tính phí sử dụng lòng đường và vỉa hè cho giải chạy bộ

15/5/2024, 18:00

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Văn hóa và Thể thao về việc tổ chức các hoạt động văn hóa có sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM.

Theo Sở GTVT TP.HCM, việc tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa.

Các giải chạy bộ ở TP.HCM phải đóng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè

Hiện nay, TP.HCM có quy định về mức phí nhưng chưa quy định về cách tính diện tích sử dụng, chiếm dụng khi tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) có quy mô lớn dẫn đến vướng mắc trong quá trình thu phí giải chạy bộ. Qua đó, phát sinh 03 phương án tính diện tích khác nhau dẫn đến 03 trường hợp số phí phải nộp khác nhau.

Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất với UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo về cách tính thống nhất diện tích khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố tổ chức các hoạt động thể thao, đảm bảo hợp lý, đúng quy định.

Theo đề xuất của Sở GTVT, việc tính diện tích sử dụng tạm thời lòng đường hè phố tổ chức giải chạy bộ, sẽ có 03 phương án:

Phương án 01: Tính toàn bộ diện tích lòng đường, hè phố sử dụng tạm thời để bố trí các trạm y tế, trạm tiếp nước, sân khấu, cổng chào; phạm vi phong tỏa đường tại các khu vực tổ chức điểm xuất phát, điểm về đích; phần đường bố trí cho các vận động viên tham gia chạy, đi bộ của các cự ly. Mức phí áp dụng cho khu vực 1 là 100.000 đồng/m²/tháng), thời gian sử dụng dưới 15 ngày.

Cụ thể, 16 trạm y tế, trạm tiếp sức được bố trí dưới lòng đường lẫn vỉa hè, mỗi trạm có diện tích 3 mét x 3 mét=144m². Số phí phải nộp ước tính khoảng 144 m² x 100.000 đồng x 0,5 (½ tháng)= 7,2 triệu đồng.

Tiếp theo, khu vực tổ chức điểm xuất phát, về đích của giải chạy bộ sẽ tính diện tích từng đoạn đường bằng cách nhân chiều dài với chiều rộng, sau đó cộng tất cả các tuyến đường lại với nhau sẽ ra diện tích sử dụng. Sau đó, lấy diện tích sử dụng nhân với 100.000 đồng và nhân với 0,5 (1/2 tháng) ra số tiền gần 500 triệu đồng.

Phần lộ trình cho các vận động viên tham gia chạy, đi bộ, sẽ lấy lộ trình chạy mỗi cự ly nhân với bề rộng mặt đường chiếm dụng để ra diện tích chiếm dụng. Sau đó lấy diện tích chiếm dụng nhân 100.000 đồng và nhân 0,5 (1/2tháng) ra số tiền 8,4 triệu đồng.

Tương tự thực hiện các cự ly còn lại (21km, 10km, 5km) ước tính khoảng 7,2 tỷ đồng.

Như vậy, số phí nộp cho xuất phát, về đích và cự ly chạy khoảng 16 tỷ đồng, tuy nhiên, ước tính phạm vi trùng lắp của các cự ly chạy, điểm xuất phát, về đích là khoảng 30% thì số phí phải nộp điểm xuất phát, về đích và lộ trình chạy khoảng 11,2 tỷ đồng.Theo phương án 1, mức phí đơn vị tổ chức phải nộp khoảng 11,2 tỷ đồng

Phương án 02 và 03 sẽ dùng cách tính tương tự phương án 01, tuy nhiên điều chỉnh cách tính diện tích chiếm dụng.

Trong đó, phương án 02 sẽ tính diện tích lòng đường sử dụng bố trí các trạm y tế, trạm tiếp nước; phạm vi phong tỏa đường tại các điểm xuất phát, điểm về đích; không tính diện tích lòng đường sử dụng bố trí cho các vận động viên tham gia chạy, đi bộ của các cự ly 5km, 10km, 21km, 42km. Mức phí đơn vị tổ chức phải nộp tại phương án này là 500 triệu đồng.

Phương án 03 sẽ tính diện tích lòng đường sử dụng bố trí các trạm y tế, trạm tiếp nước; phạm vi phong tỏa đường tại các điểm xuất phát, điểm về đích chỉ tính theo phạm vi đề xuất chiếm dụng thực tế của đơn vị thực hiện (không tính phạm vi phong tỏa toàn bộ mặt đường); không tính diện tích lòng đường sử dụng bố trí cho các vận động viên tham gia chạy, đi bộ của các cự ly 5km, 10km, 21km, 42km. Mức phí đơn vị tổ chức phải nộp tại phương án này hơn 245 triệu đồng.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất tính theo phương án 03, phương án có mức thu phí thấp nhất.

Nguồn: Thanh Niên

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: