Phim Việt trên HTV qua năm tháng

Trong suốt mấy chục năm qua, dù thăng trầm, khi thành công khi thất bại thì phim Việt vẫn là loại hình giải trí chính trên màn ảnh nhỏ HTV.

Phim “Không có gì và không một ai”

Xây dựng và khẳng định thương hiệu phim TFS

Từ năm 1986, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) chính thức có hai kênh: HTV9 và HTV7. Đến tháng 8/1987, HTV chuyển qua phát hình màu lần đầu tiên tại Việt Nam. Kịch và ca nhạc là hai thể loại nổi bật trên HTV từ đầu thập niên 1980 và phát triển mạnh trong giai đoạn 1986 - 1993. Các vở chính kịch vào ngày thứ bảy và kịch hài Trong nhà ngoài phố mỗi tối thứ Năm rất được khán giả yêu thích. 

Cuối thập niên 1980 và 1990, phim truyền hình dài tập nước ngoài phát sóng trên HTV khá nhiều như: Trở về Eden, Tất cả các dòng sông đều chảy, Con chim tải cúc hay hót, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Tình sử Angeline, Những cuộc phiêu lưu của Sinbad, Cô gái đại dương… cùng nhiều phim của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Cuối thập niên 1990 và đầu 2000, phim Hàn Quốc xuất hiện trên HTV như: Hoa cúc vàng, Cảm xúc, Anh em nhà bác sĩ, Người mẫu… 

Đầu năm 1990, HTV nâng thời lượng phát sóng cho cả hai kênh HTV7 và HTV9 lên 12 giờ/ngày. Đứng trước sự say mê phim truyện nước ngoài của khán giả, HTV quyết định thành lập Hãng phim Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (TFS) vào năm 1991 để chủ động sản xuất phim truyện và tài liệu trong nước. Năm 1994, HTV tăng thời lượng phát sóng lên 18 giờ/ngày cho hai kênh HTV7 và HTV9. Sau thời gian chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, TFS bắt đầu sản xuất phim truyện lẻ (90 phút, 60 phút): Như một huyền thoại, Giữa dòng (Bông sen Vàng - Liên hoan phim Việt Nam 1995), Tuổi thần tiên (Huy chương vàng - Liên hoan phim truyền hình 1995) và Hạnh phúc mong manh (3 tập x 60 phút) phát sóng trên chương trình Văn nghệ Chủ nhật. 

 Phim “Đồng quê”

Năm 1996, Người đẹp Tây Đô (15 tập x 60 phút) là phim truyện nhiều tập đầu tiên trong cả nước được TFS xuất xưởng. Giai đoạn 1996 - 1999, nhiều bộ phim dài tập như: Xóm nước đen (4 tập), Đất Phương Nam (11 tập), Giã từ dĩ vãng (10 tập), Đồng tiền xương máu (13 tập), Những đứa con thành phố (10 tập)… cùng phim lẻ và ngắn tập như: Ông cá hô, Chim phóng sinh, Ráng chiều, Mẹ con đậu đũa, Chuyện ngã bảy, Đất trắng, Tôi vào đời… đã đưa tên tuổi TFS lên tầm cao. Phim của TFS chú trọng khai thác chất chính luận với nhiều đề tài chiến tranh, hậu chiến, phản ánh hiện thực và các vấn đề gai góc của cuộc sống, con người rất sâu sắc và nhân văn; dàn dựng phim chỉn chu, hình ảnh đẹp, diễn viên diễn xuất tốt. Bởi vậy, cuối thập niên 1990 và đầu 2000, phim Việt trên HTV do TFS sản xuất đã trở thành một yếu tố thu hút khán giả xem ti-vi mỗi ngày. 

Giai đoạn 2000 - 2003, TFS tiếp tục tạo được tiếng vang với các phim dài tập như: Giao thời (20 tập), Chuyện tình bên dòng kênh Xáng (7 tập), Dòng đời (52 tập), Người đàn bà yếu đuối (48 tập), Hướng nghiệp (37 tập), Blouse trắng (70 tập)… Vẫn theo đuổi chính luận, đề tài của TFS mở rộng sang chuyện nghề, hướng nghiệp cho giới trẻ và có cả tình yêu, gia đình, tranh đấu trên thương trường.

Phim “Kính vạn hoa”

Hưởng ứng đề án giảm phim ngoại nhập và đặt chỉ tiêu tăng lên 50% phim nội trên sóng truyền hình cả nước của Bộ Văn hóa - Thông tin, HTV tiên phong mở “Giờ vàng phim Việt” từ năm 2004. TFS cũng “tiên phong” với loạt phim như: Ngọn nến hoàng cung (45 tập), Nợ đời (17 tập), Dốc tình (36 tập), Lục Vân Tiên (14 tập), Kính vạn hoa (28 tập), Hàn Mạc Tử (6 tập)… với đề tài đa dạng: xã hội đương đại, lịch sử, truyền thống, chuyển thể văn học, thiếu nhi. Đặc biệt, lần đầu tiên TFS hợp tác với Hàn Quốc làm phim sitcom (hài kịch tình huống) Lẵng hoa tình yêu ứng dụng công nghệ quay nhiều máy, thu thanh đồng bộ, chế tác kịch bản theo nhóm. Sau đó, thể loại mới này nhanh chóng phát triển với Nguyệt quán, Người mẹ nhí, Mùi ngò gai, Gia đình phép thuật… 

Phim Việt “giờ vàng” thời hoàng kim 

Năm 2005, HTV tiến hành “xã hội hóa”, hợp tác với các công ty truyền thông sản xuất phim cho Giờ vàng phim Việt, mở màn với Vòng xoáy tình yêu lập kỷ lục người xem. Trong năm 2006 - 2007, hàng loạt công ty truyền thông “hăm hở” bắt tay làm phim, tăng nhanh số lượng và nhiều phim “xã hội hóa” như: Tuyết nhiệt đới, Ván cờ tình yêu, Hoa dã quỳ, Anh chỉ có mình em, Ký túc xá… cùng với Dưới cờ đại nghĩa, Dollars trắng, Hương phù sa, Nghề báo, Miền đất phúc của TFS được công chúng đón nhận. Từ năm 2006, TFS ngừng làm phim lẻ và ngắn tập, chỉ làm phim dài tập (45 phút/tập). Không đề cập đến các vấn đề gai góc của xã hội, phim “xã hội hóa” giải trí nhẹ nhàng, lãng mạn, gần gũi với tâm lý khán giả trẻ, cảnh quay đẹp, nhạc phim hay. Riêng Mùi ngò gai lập kỷ lục dài 100 tập và đánh dấu những tiến bộ trong công nghệ quay nhiều máy, thu âm trong phim trường nội và ngoại. 

Sang năm 2008, HTV đã có các khung giờ: 18g, 22g (HTV9), 21g30 hằng ngày và 9g sáng chủ nhật (HTV7) để khán giả xem phim Việt suốt 7 ngày trong tuần. Đến năm 2009, HTV đạt tỷ lệ phát sóng 40% phim Việt, với nhiều phim hội tụ yếu tố “ăn khách”: tình tiết hợp lý, nhịp phim nhanh, nhạc hay, diễn viên đẹp và diễn xuất đều. Nếu 2007 - 2008 đề tài lập nghiệp của giới trẻ và các ngành nghề (phim Mùi ngò gai 2, Mưa thủy tinh, Hoa thiên điểu Cỏ đuôi gà, Thám tử tư, Chuyện tình công ty quảng cáo, Trò chơi sinh tử…) được quan tâm thì năm 2009 đề tài gia đình được ưa chuộng với các phim: Cha dượng, Tham vọng, Kính thưa ôsin, Hoàng hôn ấm áp, Sóng tình, Bão yêu thương, Cuộc chiến hoa hồng, Hãy yêu em lần nữa…Dù gió có thổi là bộ phim được bàn tán nhiều nhất. Phim tuổi teen có Gọi giấc mơ về, Cầu vồng đơn sắc, Thứ ba học trò, Những thiên thần áo trắng… gây “sốt” khán giả. Đặc biệt, phim TFS phủ sóng khá nhiều: Câu chuyện pháp đình, Cầu trường không yên tĩnh, Nhiệm vụ đặc biệt, Kẻ di trú, Công nghệ thời trang, Âm tính… và dòng phim xưa trở lại với Tình án, Tân phong nữ sĩ, Hoa dại, Tại tôi. 


Phim “Thuyền giấy”

Năm 2010, trên HTV tỷ lệ phát sóng phim Việt đạt 50%, khi thêm khung 11g, 13g (thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần), 13g30 Chủ nhật. Bên cạnh khai thác chuyện tình yêu và gia đình, nhiều vấn đề xã hội được xới xáo như: Lời thề danh dự, Vòng tay ấm, Vòng tròn cạm bẫy, Trái đắng, Chuyện tình mùa thu, Cổng mặt trời, Thụy khúc, Ngã rẽ, Đời, Vịt kêu đồng, Tình ca phố, Ở lại thế gian, Lều chõng. Phim “xã hội hóa” cũng tìm đến những đề tài lạ, như giải phẫu thẩm mỹ (Thẩm mỹ viện), hậu trường showbiz (Phía sau hào quang), bạo hành trẻ em (Nụ hồng và bóng đêm). Nhiều phim “Việt hóa” ra đời như Anh em nhà bác sĩ, Lối sống sai lầm, Tóc rối... 

Phim tâm lý tình cảm và gia đình, phim “Việt hóa” vẫn chiếm đa số trong năm 2011. Một số phim trên HTV có rating rất cao như: Vật chứng mong manh, Cá rô, em yêu anh, Một thời ta đuổi bóng, Sự thật vô hình, Gieo gió… Có những phim “xã hội hóa” chính luận phản ánh thời sự xã hội như: Vượt qua bóng đêm (buôn bán phụ nữ qua biên giới), Vùng đất không yên tĩnh (ô nhiễm môi trường), Chuyện tình làng hoa (vấn nạn đô thị hóa vùng ven)… 

Năm 2012, trên HTV “nở rộ” phim ca nhạc với Hát ca bồng bềnh, Hạnh phúc quanh đây, Vết xước, Acappella… Dù phim “xã hội hóa” vẫn áp đảo nhưng phim TFS phát sóng lúc 17g30 trên HTV9 như: Phiên chợ số, Tình ca cao, Mắt bướm, Thời gian không chờ đợi, Đồng quê, Đất mặn, Ngày hôm qua, Nơi trái tim ở lại, Ngôi sao thứ 31, Trường nội trú, Màu xanh đôi mắt… có đủ đề tài về nông thôn, nông dân, hậu chiến, thương trường, học trò, gia đình. 

Nỗ lực vượt khó khăn  

Sau những năm “chiếm lĩnh” màn ảnh nhỏ, sang năm 2013 rating phim Việt có xu hướng giảm. Nỗ lực duy trì Giờ vàng phim Việt, HTV khuyến khích đa dạng hóa thể loại phim, chọn bối cảnh quay mới lạ, chọn nhà sản xuất giàu tiềm năng và kinh nghiệm, phân chia khung giờ riêng như 20g (HTV7) chiếu phim tâm lý xã hội, tình cảm, thiếu nhi; 13 - 14g (HTV7) chiếu phim tâm lý xã hội về tình yêu, cuộc sống, hôn nhân... phục vụ nhân viên văn phòng, nội trợ; 22g (HTV9) chiếu phim tình cảm, tâm lý xã hội, hài hước dành cho khán giả lớn tuổi và phụ nữ từ 20 - 50 tuổi. Nhờ vậy, HTV có nhiều phim “xã hội hóa” như: Ván bài tình yêu, Người giúp việc, Oan nghiệt, Số phận bị đánh cắp, Hoa cúc xanh, Gieo gió, Thuyền giấy, Đường hoang lạc bước, Túm cổ đại gia, Chạy trốn tình yêu… và phim TFS như: Cá lên bờ, Gọi yêu thương, Cỏ biếc, Ngọn cỏ gió đùa, Nơi trái tim ở lại… được khán giả hồ hởi đón nhận.

Phim “Cỏ biếc”

Sang năm 2014, tuy vẫn xoay quanh chuyện tình yêu, tranh đoạt trong gia đình, đấu đá trên thương trường, tham vọng đổi đời, trả thù quá khứ… song các phim trên HTV như: Quyến rũ, Người chồng điên, Vòng vây hoa hồng, Khi người đàn ông trở lại, Ảo vọng, Đường chân trời, Trả giá, Sóng ngầm, Con thuyền số phận, Yêu đến tận cùng, Sóng gió hôn nhân, Tình yêu và thử thách, Nhà không có mẹ chồng, Nơi chốn quay về, Cuộc chiến quý ông… có cách khai thác câu chuyện khá hấp dẫn, kịch tính, không một chiều. Nét mới là năm 2014, màn ảnh HTV xuất hiện phim có yếu tố kinh dị hay kỳ bí như: Huyền thoại tím, Kẻ gây hấn được đánh giá là “món ăn lạ” cho khán giả. 

Từ năm 2015, trên HTV có một số dự án “xã hội hóa” có hơi hướng chính luận được đầu tư lớn như: Thề không gục ngã mang màu sắc hình sự - điều tra, phá án gay cấn; Mặn hơn muối khai thác cuộc sống diêm dân; Biệt thự Pensée kể về thăng trầm của phận con người gắn với một số biến cố xã hội… Trong năm 2016, “bùng nổ” các loại hình giải trí trên internet và gameshow chiếm “giờ vàng” cuối tuần khiến số lượng công ty sản xuất phim truyền hình giảm mạnh, sản lượng phim mới giảm sâu chỉ còn 50%. Tuy vậy, phim tâm lý xã hội - điều tra - hình sự hay vấn đề xã hội lại “lên ngôi” trên HTV7 nhờ đầu tư tốt về kịch bản, diễn xuất, cảnh quay như: Đặc vụ ở Ma Cao, Vòng tròn tội lỗi, Kẻ giấu mặt, Đôi mắt âm dương, Ánh sáng thiên đường, Thủy cơ, Muôn mặt cuộc đời, Lấy chồng cho vợ…


Phim sitcom “Gia đình là số 1” 

Phim sitcom (25 phút/tập) trở lại trên khung 12g30 của HTV7, mở màn với Chuyện gì đang xảy ra, Cười lên vợ ơi… Nếu 10 năm trước các nhà sản xuất mới chọn làm phim truyện truyền thống (45 phút/tập) thì nay đầu tư làm sitcom. Từ 2017 đến nay, sitcom “chiếm lĩnh” nhiều khung giờ với Gia đình là số 1, Vợ chúa chồng tôi, Tiệm tóc tình yêu, Biệt đội siêu hài, Yêu nhầm con gái ông trùm... Trong khi từ năm 2018 phim Việt (45 phút/tập) chỉ còn khung 22g trên HTV9 với một số phim “xã hội hóa” đáng chú ý như: Mật danh rocker, Ngày mai bình yên, Nhà có hai cửa chính… 

Lời kết  

Giờ vàng phim Việt của HTV đã tạo ra việc mở cửa cho tư nhân hợp tác làm truyền hình đã tạo ra sản phẩm đa dạng đề tài đáp ứng yêu cầu của đông đảo khán giả, hiện thực mục tiêu phủ sóng phim nội từ 30-50%. Cách làm này của HTV sau đó được nhân rộng trong cả nước. Thời hoàng kim của Giờ vàng phim Việt, HTV có hơn 60 đối tác “xã hội hóa”, cung cấp gần 2000 tập phim mới/năm với chất lượng khá trở lên, nội dung giàu giá trị nhân văn, truyền tải thông điệp tốt đẹp. Nhiều phim “xã hội hóa” như: Gọi giấc mơ về, Cổng mặt trời, Hoa thiên điểu, Một thời ta đuổi bóng, Vật chứng mong manh, Thuyền giấy… có rating rất cao hay gây “sốt” khán giả, nhận được giải Cánh diều Vàng, Huy chương của Liên hoan Truyền hình Toàn quốc. 

Giờ vàng phim Việt còn giúp cải tiến công nghệ quay phim và rút ngắn thời gian sản xuất, xây dựng và phát triển đội ngũ tạo nên thị trường làm phim truyền hình lớn nhất cả nước ở miền Nam; phát triển thể loại sitcom hay “Việt hóa” kịch bản nước ngoài, viết kịch bản theo nhóm.

Phim “Ráng chiều ấm áp”

Trong thăng trầm của phim Việt trên HTV, TFS vẫn giữ được vai trò “trụ cột”, đồng hành với phim “xã hội hóa” bằng những sản phẩm chính luận chất lượng cao được khán giả và giới chuyên môn ghi nhận. Khi phim “xã hội hóa” khủng hoảng, từ giữa năm 2017, TFS trở lại với Lẩn khuất một tên người, Lồng son, Tơ hồng vương vấn, Bên kia sông, Về quê ăn Tết, Đảo khát, Sóng ngầm, Sóng mồ côi, Mùa cúc susi, Ráng chiều ấm áp, Rừng thiêng… trong nỗ lực để duy trì thương hiệu phim truyện của HTV. 

Với những phim mới phát sóng năm 2019, TFS đã quay lại với phương thức sản xuất và làm việc nhóm phù hợp tình hình thực tế, nhu cầu giải trí của khán giả. Năm 2020 phim mới của TFS như: Kẻ sát nhân cô độc, Mẹ trùm, Đoạn tuyệt những đêm hoang, ADN… được chọn lọc kịch bản, với đề tài gai góc và cốt truyện lắt léo hơn, nhưng vẫn đầy đủ thông điệp về tinh thần thiện lương, tạo nên những giá trị hạnh phúc trong cuộc sống. Cùng cách làm phim trẻ trung hơn, tiết tấu nhanh và hiện đại hơn, TFS cũng tìm tòi xây dựng thể loại phim 25 phút/tập. Bên cạnh TFS, một số công ty đang trở lại hợp tác với Đài, hứa hẹn giúp phim Việt trên HTV sớm lại khởi sắc.

Đan Khanh