Chương trình “Ngày xửa, ngày xưa” của sân khấu kịch IDECAF đã là một thương hiệu lớn. Thế nhưng, với khán giả truyền hình HTV, thì không thể quên sự khởi đầu của chương trình này chính là “Chuyện ngày xưa” được thực hiện năm 2001.
NSƯT Thành Lộc và đạo diễn Thanh Hiệp tại phim trường HTV thực hiện chương trình "Nghệ sĩ và sàn diễn"
Có thể nói, thời đó xem chương trình Chuyện ngày xưa do đạo diễn Hùng Lâm dàn dựng trên màn ảnh HTV, không chỉ có khán giả thiếu nhi say mê mà còn có rất đông phụ huynh cùng xem với các em.
Thời đó, NSƯT Thành Lộc đã biến hóa thật tinh tế hàng loạt các tính cách mà qua mỗi câu chuyện kể, nét diễn, lời thoại, giọng cười đã phả vào nhân vật dấu ấn khác lạ. Anh còn giữ vai trò người dẫn chuyện, hướng dẫn các bạn nhỏ theo dõi chương trình Chuyện ngày xưa khơi gợi suy nghĩ, cuốn theo mạch chuyện một cách sôi nổi.
Ngay từ tập đầu tiên khai trương với vở Ông già và cục bướu, anh đã làm người xem bất ngờ. Thông thường như một cỗ máy vận hành liên tục, đến một lúc nào đó, các bộ phận sẽ hao mòn. Ấy thế, với NSƯT Thành Lộc, anh vẫn tràn đầy nghị lực, tung hoành trên nhiều sàn diễn dành cho đủ mọi lứa tuổi. Sức diễn của anh càng chín và trở nên tinh tế để khán giả vừa trầm trồ khen ngợi, vừa có thể cười thỏa thích.
“Tôi không thể quên những câu chuyện kể thời đó dành cho khán giả thiếu nhi xem chương trình của HTV như các vở: Lọ nước thần, Câu chuyện dưới ánh trăng, Bí mật của nhà vua, Vị hoàng tử hạnh phúc, Hai chị em rắn thần, Hũ bạc của ông già đốt than... Thời của tôi, lúc truyền hình còn đen trắng, mỗi tối có chương trình Những bông hoa nhỏ dành cho khán giả thiếu nhi nên tôi đã mong muốn thực hiện nhiều chương trình cho các bạn nhỏ, và thế là chương trình Chuyện ngày xưa ra đời, để sau đó, chúng tôi thực hiện chương trình Ngày xửa, ngày xưa cho đến ngày hôm nay đã là chương trình 31” – NSƯT Thành Lộc kể lại.
Có thể nói, yếu tố hấp dẫn của chương trình Chuyện ngày xưa qua tài thiết kế đội hình của NSƯT Thành Lộc thời đó, đã tạc dấu ấn khó quên với khán giả nhỏ tuổi. Những khán giả đó ngày nay đã là phụ huynh và vẫn còn nhớ nhiều đến cái tên chung của nhóm, đó là “Nhóm Líu Lo”, nơi “anh Thành Lộc” là người dẫn chuyện cùng với 5 diễn viên: Mèo Ly Ly (Hoàng Trinh), Két La La (Thanh Thủy), Chú hề (Vũ Đình Toàn), Chó Lu Lu (Bạch Long). Tài năng kể chuyện và hóa thân vào các nhân vật của NSƯT Thành Lộc thời đó chính là điểm nhấn của Chuyện ngày xưa.
Các vở diễn của chương trình Ngày xửa, ngày xưa thu hút đông đảo công chúng: Tấm Cám, Nàng Công chúa Ngủ trong rừng, Dế mèn phiêu lưu ký; Hoàng tử sọ dừa Chum vàng, Chum rắn; Cô bé Lọ Lem, Người đẹp và quái vật, Nàng Tiên Cá, Công chúa Chích Chòe, Aladin và Đủ thứ thần, Huyền thoại nữ thần Lee Kim Chi, Cậu bé Rừng Xanh, Nàng Bạch Tuyết lạc 7 chú lùn, Na Tra và Đại náo Thủy Cung, Sơn Tinh và Thủy Tinh, Hoàng tử Ai Cập, Chuyện Thần tiên Xứ Phù Tang, Phù Đổng Thiên Vương Lá cờ thêu 6 chữ vàng, Chàng Lang Thang và Nàng Tùy Tiện, Phù Thủy lắm chiêu, Cậu bé Khoai Lang Tây và Ba bà Tiên, Võ Công tiểu quái, An-Ly và Thần băng giá…
NSƯT Thành Lộc kể lại trong chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn: “Thời đó khi lên sóng chương trình này, HTV đã nhận được 15.000 thư tham gia cuộc thi viết cảm nhận do chúng tôi tổ chức”. Một kết quả khẳng định Chuyện ngày xưa đã bắt trúng tần số yêu thích chuyện cổ tích của các em thiếu nhi thời đó. Cái khó của chương trình là làm sao tránh được sự trùng lặp trong cách thể hiện. Để trong nét diễn và cách tạo tiếng cười đều tuân thủ theo một nguyên tắc: tôn trọng tính chân thật. Qua hành ngàn cánh thư của các em, chúng tôi nhận biết ưu thế của Chuyện ngày xưa là phải sáng tạo thật nhiều cách thể hiện mới nhằm đáp ứng nhu cầu vừa học tập, vừa vui chơi, giải trí của các em”.
Vào thời điểm năm 2001, NSƯT Thành Lộc còn có những dấu ấn mới trên các sàn diễn dành cho khán giả người lớn tại sân khấu kịch IDECAF trong các vở: Shakespeare đang nguy, Thuốc đắng giả tật, Anh chàng xỏ lá, Bóng ma, Âm mưu tình yêu... và cho đến hôm nay, thương hiệu kịch IDECAF đã có nhiều tác phẩm đỉnh cao được giới chuyên môn đánh giá cao như: Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê và gần đây nhất là dấu ấn tuyệt vời với vở nhạc kịch thuần Việt: Tiên Nga - mang lại 3 đợt biểu diễn đầy ắp khán giả.
NSƯT Thành Lộc không phải là người chỉ thích được khen ngợi và tô hồng, càng không muốn xuề xòa với những vai diễn. Thế mới biết người nghệ sĩ chân chính trong anh không bao giờ muốn vuốt ve, mơn trớn cảm xúc bên ngoài mà qua nhân vật của mình, niềm rung động chân thật phải đi sâu vào nội tâm và ở lại trong tâm trí người xem. Chính điều đó đã làm nên sức sống 20 năm cho một thương hiệu đáng trân trọng: “Ngày xửa, ngày xưa”.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp