Ngày 6/8, Niger thông báo đóng không phận của nước này cho đến khi có thông báo mới. Lý do là vì Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đe dọa can thiệp quân sự sau khi các lãnh đạo trong cuộc đảo chính tại Niger từ chối phục chức cho tổng thống.
Trong tuyên bố trên truyền hình quốc gia đêm 6/8, Amadou Abdramane - người phát ngôn quân đội Niger thông báo: "Trước mối đe dọa can thiệp ngày càng rõ rệt, Niger sẽ đóng không phận, có hiệu lực từ hôm nay".
Ông Abdramane cũng cho biết, đã có sự chuẩn bị lực lượng tại hai quốc gia Trung Phi để can thiệp quân sự, nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết. Ông nói: "Các lực lượng vũ trang và toàn bộ các lực lượng an ninh và quốc phòng Niger, với sự ủng hộ không ngừng của người dân, đã sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ".
Hàng ngàn người bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền quân sự Niger trong ngày 6/8. Nguồn ảnh: Reuters
Trước đó, cùng ngày, hàng ngàn người ủng hộ chính quyền quân sự đã đổ về một sân vận động tại thủ đô Niamey để hoan nghênh việc quân đội không chịu khuất phục trước áp lực bên ngoài trước thời hạn 6/8.
Trước đó, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đưa ra thời hạn 6/8 để chính quyền quân sự Niger trao trả quyền lực cho tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Các chỉ huy quân đội của các nước ECOWAS đã nhất trí một kế hoạch can thiệp quân sự tại Niger, trong đó có thời gian và địa điểm triển khai lực lượng, trong trường hợp chính quyền quân sự Niger không đáp ứng yêu cầu.
ECOWAS từ chối phản hồi yêu cầu bình luận của truyền thông về các bước đi tiếp theo khi đã qua hạn chót.
Tướng Abdourahmane Tiani được các lãnh đạo đảo chính bổ nhiệm làm người đứng đầu chính quyền quân sự Niger. Nguồn ảnh: Reuters
Cuộc đảo chính tại Niger là cuộc đảo chính thứ 7 tại Tây và Trung Phi trong vòng ba năm và có tác động lớn đến vùng Sahel - một trong những vùng nghèo nhất thế giới. Niger được xem là quốc gia quan trọng đối với Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nga, nhờ các nguồn tài nguyên dầu và uranium, cũng như vai trò trong cuộc chiến chống các tay súng Hồi giáo.