Những ký ức tải gạo, vác binh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

NGỌC PHƯỢNG - XUÂN HẠO - NGUYỄN QUỐC - TRÚC ÂN - TẤN TÀI // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/5/2024, 21:00

(HTV) - Trong tất cả các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, công tác hậu cần là một mắt xích trọng yếu. Với trận đánh Điện Biên Phủ, địa hình hiểm trở cách đây 70 năm, việc vận chuyển lương thực, đạn dược từ hậu phương lên tiền tuyến là chuyện phi thường.

Ký ức tải gạo, vác binh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

 Hậu phương Điện Biên là chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến

Nhập ngũ năm 18 tuổi, sau chiến dịch Hòa Bình, chàng trai trẻ Trần Thịnh Tần được phân công lên Điện Biên Phủ. Những câu chuyện "hậu cần đi trước, về sau" của dân công để góp sức tải từng đợt xe lương thực tiếp tế đến chiến trường, xay hàng tấn nếp thành từng hạt gạo, và tình cảm của đồng bào Tây Bắc cho "để bộ đội có sức đánh Tây" trên chiến trường Điện Biên Phủ vẫn được ông nhớ như in mà kể lại đầy phấn khởi.

Tuy không trực tiếp tham gia trận đánh Điện Biên Phủ nhưng những ký ức về Điện Biên đã quá thân thuộc với cô gái nhỏ tên Phạm Hồng Thắm khi ấy. Mỗi khi nhìn và xem lại các tư liệu, hiện vật về Điện Biên Phủ hay có dịp về thăm lại mảnh đất này những ngày hòa bình, bà đều không khỏi xúc động.

Đại tá Trần Thịnh Tần

"Đất nước của mình lúc ấy còn nghèo lắm, đường xá bị phá hỏng từ lâu và do bị bom đạn cày xới. Phía trước khoảng năm vạn quân chiến chấu thì phía sau dân công với các phục vụ là gấp bốn lần. Thế là không kể mưa nắng, các chị em dân công trời mưa thì họ lấy lá chuối, lá môn che cho các cáng thương của thương binh...nhớ lại là cảm động lắm", theo Đại tá Trần Thịnh Tần.

Bà Phạm Hồng Thắm

Trải qua những gian khó của chiến tranh, sau khi hòa bình lặp lại, nhiều lần đến thăm Điện Biên, bà Thắm bày tỏ niềm vui khi thấy mảnh đất này đổi mới: "Bây giờ đến Điện Biên thì chúng ta thấy những cánh đồng, những vườn cây, vườn hoa nở tươi, những ngôi nhà sàn đỏ ngói bằng gạch rất hiện đại. Đó là sự đổi mới, sự đánh đổi của chiến tranh để lại cho những người dân nơi đó và sự tiếp sức của các miền đổ về để vun đắp lại sự mất mát, đau thương của người dân Điện Biên ...."

Còn Đại tá Trần Thịnh Tần, ở tuổi 93, sau 30 năm về hưu, ông vẫn nỗ lực cùng địa phương cố gắng gìn giữ hòa bình, xây dựng Đất nước, tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước, xây dựng dân giàu, nước mạnh...

Những ký ức truyền cảm hứng về Điện Biên Phủ

70 năm đã qua đi, những người chiến sĩ góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cùng ký ức về những năm tháng tải gạo, vác binh, cung cấp vật chất, lương thực và các trang thiết bị phục vụ chiến trường ...giờ người còn người mất. Những người còn thì cũng ít người khoẻ mạnh sau bao gian khó của chiến tranh. Nhưng họ vẫn không ngừng tiếp tục cống hiến cho xã hội, và truyền cảm hứng, nhắc nhở những thế hệ hôm nay, mai sau biết trân trọng giá trị của nền hòa bình, độc lập tự do.

 

Ý kiến của bạn: