Nhiều trường đại học đã có định hướng tuyển sinh năm 2025. So với cách thức năm 2024, các trường dự kiến có nhiều điều chỉnh. Không chỉ rút gọn số lượng phương thức, một số trường tăng thêm điều kiện khác cho phương thức tuyển sinh trước đó.
Yêu cầu cao hơn với một số phương thức
Theo thông tin vừa công bố, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm với 02 phương thức: tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT và ưu tiên xét tuyển thí sinh (TS) các trường THPT có ký kết hợp tác. Bên cạnh đó, trường xét tuyển theo lịch chung của Bộ GD-ĐT với 03 phương thức: xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, xét tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ 6 học kỳ THPT của từng môn theo tổ hợp với TS tốt nghiệp năm 2025, xét tuyển TS theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2025.
Trong kỳ tuyển sinh năm nay, các trường Đại học có xu hướng rút gọn các phương thức
Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết số lượng phương thức xét tuyển không thay đổi nhưng có điều chỉnh thời gian xét cho các phương thức. Trong đó, xét tuyển sớm dự kiến chỉ áp dụng tối đa 20% tổng chỉ tiêu (thay vì xét tuyển sớm 50% chỉ tiêu như năm trước). Tuy nhiên, tiến sĩ Thưởng lưu ý một điều chỉnh quan trọng liên quan đến phương thức xét học bạ trong năm nay. Cụ thể, phương thức này sử dụng kết quả học tập THPT 06 học kỳ (thay vì 05 học kỳ như trước đây) và chỉ áp dụng cho học sinh tốt nghiệp THPT năm 2025 (thay vì áp dụng cho TS tốt nghiệp trong 3 năm gần nhất như 2024). Như vậy, yêu cầu xét tuyển dựa vào học bạ THPT cao hơn so với cách làm cũ.
Năm 2025, Đại học Kinh tế TP.HCM cũng dự kiến có 05 phương thức tuyển sinh. Các phương thức áp dụng tại cơ sở TP.HCM gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, xét TS tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài kết hợp chứng chỉ quốc tế, xét TS có kết quả học tập tốt, xét điểm thi đánh giá năng lực kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng phân hiệu Vĩnh Long, trường dự kiến xét thêm điểm kỳ thi V-SAT.
PGS-TS Bùi Quang Hùng - Phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, số lượng phương thức xét tuyển dự kiến giảm so với năm ngoái do gộp 2 phương thức xét dựa vào kết quả học tập THPT thành một. Đáng chú ý, phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM có bổ sung tiêu chí kết hợp là trình độ tiếng Anh quốc tế. Trong khi các năm trước, trường chỉ sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực. "Thời gian xét tuyển các phương thức dự kiến có thay đổi nhưng đang chờ quy chế của Bộ GD-ĐT", PGS Hùng cho hay.
Rút gọn phương thức tuyển sinh
Trong khi đó, có trường chủ trương cắt bớt phương thức tuyển sinh so với năm 2024. Chẳng hạn, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) dự kiến có 03 phương thức tuyển sinh trong năm nay. Cụ thể gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT và Đại học Quốc gia TP.HCM, kết hợp các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với kết quả học tập THPT; xét dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; xét dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2025.
Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng Trung tâm - Truyền thông nhà trường, cho biết năm nay trường cắt giảm 01 phương thức dựa trên kết quả học tập chương trình THPT quốc tế đối với TS người nước ngoài và TS người Việt Nam học trường nước ngoài. Ngoài ra, 03 phương thức độc lập của năm ngoái được gom chung thành một phương thức của năm nay.
Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM dự kiến có 03 phương thức tuyển sinh chủ đạo. Cụ thể gồm: Xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển tổng hợp và xét điểm kỳ thi V-SAT. Trong đó, phương thức xét tuyển tổng hợp năm nay căn cứ trên điểm học tập THPT 06 học kỳ theo tổ hợp môn (trước đó chỉ xét điểm của 03 học kỳ).
Sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT là một trong những phương thức xét tuyển chủ đạo của các trường Đại học
Nhiều trường lần đầu tổ chức kỳ thi V-SAT
Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Mở TP.HCM, cho biết trường giữ các phương thức xét tuyển như 2024. Trong đó, nhóm các phương thức theo quy định chung của Bộ GD-ĐT gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Bên cạnh đó, nhóm các phương thức theo đề án tuyển sinh riêng của trường gồm: Xét tuyển TS có chứng chỉ quốc tế như IB từ 26 điểm trở lên, A-Level từ C trở lên ở mỗi môn, hoặc SAT từ 1.100 điểm trở lên; xét tuyển TS đạt kết quả học lực tốt và kết quả rèn luyện tốt các năm học THPT, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; xét tuyển TS đạt kết quả học lực tốt và kết quả rèn luyện tốt các năm học THPT; xét tuyển theo kết quả học tập THPT TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT; xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM và kỳ thi đánh giá đầu vào Đại học trên máy tính.
"Một điểm mới trong tuyển sinh năm nay, trường bắt đầu tổ chức kỳ thi V-SAT 04 đợt từ tháng 3 đến tháng 6", thạc sĩ Phúc thông tin thêm.
Trường Đại học Tài chính - Marketing dự kiến có 6 phương thức tuyển sinh trong năm nay. Cụ thể gồm: Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ GD-ĐT; xét tuyển học sinh có kết quả học tập THPT tốt; kết quả học tập THPT theo tổ hợp môn; kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2025; kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào Đại học trên máy tính (V-SAT); dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Riêng phương thức xét tuyển học sinh có kết quả học tập THPT tốt sẽ có 04 diện.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường Đại học Tài chính - Marketing, cho biết điểm mới nhất trong phương án tuyển sinh dự kiến năm nay là lần đầu tiên trường tổ chức kỳ thi V-SAT phục vụ tuyển sinh. Tuy nhiên, trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT do các trường Đại học khác tổ chức để xét tuyển.
Nguồn: Thanh Niên
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9