Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn và những kỷ niệm làm phim về Bác Hồ (Phần 2)

24 năm làm việc ở Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV), rồi cả chục năm làm cộng tác viên sau khi về hưu, tôi đã có dịp tham gia vài đoàn làm phim về Bác Hồ. Giờ đây, đã ở tuổi 80, mỗi lần nghĩ lại lòng đều thấy bồi hồi.

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn

Gần bến Hoàng Hà

Hoàng Hà là một trong những dòng sông vĩ đại của thế giới, cái nôi của nền văn minh Trung Hoa cổ đại. Đoạn trung lưu của dòng sông chảy qua thành phố Lan Châu, thủ phủ của tỉnh Cam Túc ở vùng Tây Bắc Trung Hoa, đồng thời là tỉnh láng giềng Tây Bắc của tỉnh Thiểm Tây – nơi có kinh đô Trường An vào loại cổ nhất thế giới.

Năm 2004, chúng tôi làm phim ở tỉnh Thanh Hải, phía Tây của Cam Túc, rất muốn đi xe lửa tới Lan Châu bởi chỉ cách trên 300km. Nhưng không thể vì lịch trình Mê Kông ký sự không cho phép. Sở dĩ rất nóng lòng với Lan Châu vì thời kỳ 1938, Bác Hồ đã tới đây trên đường tiến gần về đất nước sau 27 năm bôn ba khắp chốn. Thế rồi cuối thu 2008, chúng tôi đã từ Bắc Kinh bay tới cao nguyên Hoàng Thổ để thăm Lan Châu ở độ cao 1600 mét trên bờ Hoàng Hà.

Lan Châu nằm trên “Hành lang Hà Tây” nổi tiếng, một đoạn trọng yếu của “Con đường tơ lụa” thời cổ đại. Thời Tây Hán, lãnh thổ “Rợ Hồ” nằm trên bờ Bắc, lãnh thổ “Trung Nguyên” của Hán tộc nằm ở bờ Nam. Hàng năm, vào mùa đông, Hoàng Hà đóng băng là dịp kỵ binh Hồ vượt sông tới tấn công đất Hán, uy hiếp thành Trường An dữ dội. Trong một trận đại thắng giặc Hồ, đại tướng của Hán Vũ Đế (có lẽ là Hoắc Khứ Bệnh) tổ chức khao quân nhưng chỉ có một thùng rượu, bèn ra lệnh cho mấy trăm ngàn quân chia nhau đứng ven một con suối dài nhiều cây cối rồi ông ta cho đổ thùng rượu ở phía thành cổ Gia Dụ Quan, cho rượu chảy suối, quân lính múc nước suối có rượu uống mừng chiến thắng. Sau này suối có tên là “Tửu Tuyền”, thành phố láng giềng của Gia Dụ Quan có tên là “Thành Tửu Tuyền”.

“Tửu Tuyền Thành” hiện là thành phố căn cứ công nghiệp vũ trụ, là láng giềng thịnh vượng của Lan Châu và Gia Dụ Quan (nơi có “cửa ải cực Tây” của Vạn Lý trường Thành).

Năm 1938, Bác Hồ từ Liên Xô về gần Việt Nam. Tới Lan Châu, Bác liên hệ với một sở chỉ huy của Bát lộ quân Trung Quốc nhờ giúp đỡ để về gần biên giới Trung Việt, bằng cách làm việc cho Bát lộ quân để được về Quảng Tây (có biên giới với Cao Bằng, Lạng Sơn). Từ Lan Châu, Bác mặc quân phục và mặc đồ Bát lộ quân, về Diên An (ở Thiểm Tây) là căn cứ cách mạng của Trung Quốc rồi về Quế Lâm, Liễu Châu, Long Châu… tới năm 1941 thì về Pắc Bó lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.

Lan Châu là một trong những căn cứ lớn, có sở chỉ huy của Bát lộ quân. Hiện trên bờ Hoàng Hà có một nhà bảo tàng Bát lộ quân Lan Châu rất phong phú. Đó là một kiến trúc truyền thống Hán tộc “Tứ Hợp Viện” tức một tòa nhà quý tộc có sân ở giữa, 4 mặt quanh sân là nhà hai tầng, có 4 hành lang dài, cổng vào rất đẹp, có bức tường che chắn. Bảo tàng dành riêng một phần lưu giữ những kỷ niệm của đồng chí Hồ Chí Minh lúc ở đây.

Tuy chỉ lưu lại thời gian rất ngắn nhưng không ngờ tại góc trời cô tịch này có cả một “di sản văn hóa” nhỏ dành cho riêng Người. Lòng chúng tôi thật sự dạt dào cảm xúc, lặng đi vì bồi hồi. Sau này trong phim “Hành trình theo chân Bác” có một điểm nhấn không thể nào quên về “dấu chân bôn ba”, ngắn ngủi, đầy phiêu lãng, tại nơi xa xôi hẻo lánh của người anh hùng vĩ đại bên dòng đại trường giang mênh mông, bạo liệt, ở tận lưng trời mà cánh làm phim chúng tôi gọi vui là “Cận bạc Hoàng Hà”, tức “Gần bến Hoàng Hà”.

Đi thuyền trên sông Đáy

“Đi thuyền trên sông Đáy” là một bài thơ rất đẹp của Bác. “Sông Đáy” ở đây không phải dòng sông nổi tiếng là một nhánh của sông Hồng ở gần Sơn Tây chảy qua Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định rồi ra biển ở cửa Thần Phù, mà là dòng sông ở Việt Bắc bắt nguồn từ Bắc Cạn, chảy qua Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, nhập với sông Lô ở gần Việt Trì rồi chảy vào sông Hồng, tên thật là “Sông Phó Đáy” nhưng dân địa phương quen gọi là “Sông Đáy”.

Chương trình ca nhạc “Đất nước nghiêng mình” mừng sinh nhật Bác cần có vài đoạn phim ngắn cho sinh động, trong đó có đoạn “con thuyền trên sông Phó Đáy”.

Nhóm làm phim chúng tôi sau khi ghi hình ở Tân Trào, Hồng Thái, Định Hóa… thì dành cả một buổi chiều bên dòng sông Phó Đáy tại Sơn Dương, Tuyên Quang. Đây là con sông thơ mộng, hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc, quanh co, lượn theo thế núi trùng điệp mà Bác thường đi công tác bằng thuyền thời kháng chiến chống Pháp ở gần Tân Trào. Mục tiêu là phải quay được một con thuyền đi trên sông nhưng đợi mãi cho tới lúc mặt trời gần lặn không hề thấy một bóng thuyền. Dòng sông, vắng tanh suốt cả buổi chiều. Hoàn toàn thất vọng, chúng tôi xếp máy móc thiết bị lên xe chuẩn bị ra về.

Mặt trời đã khuất núi. Không gian sơn thủy trong ánh chiều tà cộng với khói cỏ ai vừa đốt, lửng lơ bay trên nền sông núi bao la, xa xa phía chân trời làm tất cả nhóm lữ khách nhỏ chúng tôi ngẩn ngơ, ngất ngây, tiếc nuối vô cùng. Cảnh tượng mơ màng, quý hiếm này không thể bỏ qua. Lập tức triển khai máy móc trở lại để ghi hình. Tất cả hồi hộp, nín thở, cùng với chiếc camera đang lặng lẽ nuốt vào lòng hình ảnh cả góc trời, giang sơn cô tịch, man mác trong ánh chiều tà. Thật bất ngờ, một con thuyền nhỏ xuất hiện giữa hoàng hôn, một thiếu nữ cùng mái chèo khuấy nước đang nhẹ nhàng, chậm rãi lướt ngược về phía thượng nguồn, có khói lam chiều là là trên mặt sông, vắng lặng, dưới chân rặng núi mơ màng.

Tất cả đều ngoài sức tưởng tượng. Cho tới hôm nay, cả chục năm đã trôi qua, mỗi lần gặp nhau đều nhắc lại câu nói mà trên bờ sông năm ấy: “Rõ ràng Bác đã phù trợ”.

Nguyên văn bài thơ của Bác

Dòng sông lặng ngắt như tờ,

Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo.

Bốn bề phong cảnh vắng teo,

Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan.

Lòng riêng, riêng những bàn hoàn,

Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.

Thuyền về, trời đã rạng đông,

Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.

Mùa thu năm 1949
Trần Đức Tuấn