Người Việt mất 18.900 tỷ đồng vì bị lừa đảo trong năm 2024

NGỌC QUÍ - HOÀN THIỆN - MINH TẤN - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 31/12/2024, 10:00

(HTV) - Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, cứ 220 người dùng mạng thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.

Đang học năm cuối, do nóng vội phải có được chứng chỉ ngoại ngữ để kịp tốt nghiệp, sinh viên này đã dễ dàng trở thành nạn nhân của một nhóm kết nối trung tâm ngoại ngữ trên mạng với lời cam kết "chỉ cần đăng ký thi là đậu". Sau khi chuyển phí nộp hồ sơ, anh liên tục bị yêu cầu chuyển thêm những khoản tiền khác, còn ngày thi mãi vẫn chưa thấy và muốn đòi lại tiền cũng không được. 

Anh sinh viên T. ngậm ngùi cho biết: "Không thi được, giờ em phải chuyển thêm 15 triệu để trung tâm xử lý hồ sơ cho em. Em bảo em không có tiền nên đối tượng bảo trung tâm sẽ hỗ trợ em 7 triệu, còn 8 triệu thì em chuyển đi. Em nghe vậy nên đã chuyển cho đối tượng 2 lần, một lần 3 triệu và một lần 5 triệu. Em nghĩ là em không đòi lại được số tiền này đâu, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho mọi người". 

Đây chính là một trong những nạn nhân của 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất năm 2024, gồm: dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn. Chuyên gia cảnh báo, tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2025. Do đó, việc bảo vệ an toàn thông tin là việc làm bắt buộc, dù là tổ chức hay cá nhân.

Ông Nguyễn Đức Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM cho biết: "Mất an toàn thông tin ngày càng gia tăng, với các loại hình và công nghệ ngày càng phát triển. Do đó, các nhà cung cấp và các đơn vị khối chính quyền phải kịp thời nắm bắt được các kỹ năng, thao tác, ứng phó với những rủi ro mất an toàn thông tin có thể xảy ra". 

Tiến sĩ Trịnh Ngọc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) - Chi nhánh phía Nam nhận định: "Phải làm sao bảo vệ được người dùng cuối, ví von như "tiêm vaccine số" cho người dân, để người ta miễn nhiễm với lừa đảo. Các hệ thống, ứng dụng mà chúng ta đưa ra phải đơn giản, dễ hiểu, để người dùng kể cả người không rành công nghệ vẫn dùng được".

Tiến sĩ Trịnh Ngọc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) - Chi nhánh phía Nam

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, lừa đảo qua mạo danh là một hình thức phổ biến, do đó, chúng ta không tin tưởng và không làm theo. Đặc biệt là những lời chào mời mang đến nguồn lợi lớn. Cái đó thế giới thực còn không có, huống chi là thế giới ảo. Và trong trường hợp nghi ngờ hoặc đã trở thành nạn nhân thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng, tham vấn chuyên gia,...dù khả năng lấy lại được tiền trong các vụ lừa đảo qua mạng là rất thấp, nhưng chúng ta vẫn nên trình báo để có thể nâng cao cảnh giác trong cộng đồng.

Việc bảo vệ an toàn thông tin là việc làm bắt buộc, dù là tổ chức hay cá nhân

Khi công nghệ là tất yếu của xã hội và phát triển không ngừng, đã có nhiều giải pháp đang và sẽ được đưa ra. Việc xác thực tài khoản dùng mạng xã hội sau ngày 25/12/2024, hay việc nước ta và các quốc gia Liên hiệp quốc tham gia ký kết "Công ước Hà Nội" về tội phạm mạng vào năm 2025 là những nỗ lực mới nhất được công bố. Các biện pháp từ cơ quan quản lý rõ ràng là cần thiết, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là việc người dùng bắt buộc phải nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn, khi tham gia không gian mạng.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: