NewZgraphic: Quản lý chi tiêu ở thế hệ Gen Z

HOÀNG NGÂN - HỒNG PHÚC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/4/2024, 20:00

(HTV) - Sau thời kỳ dịch Covid-19, sự quan tâm về quản lý chi tiêu ở thế hệ Gen Z ngày càng được đề cao, qua đó cũng dễ dàng thấy được khả năng tư duy quản lý và đầu tư tài chính khác biệt của thế hệ Gen Z.

Có lẽ chúng ta đã quen với các bài báo, thông tin đánh giá tiêu cực về sự tiêu tiền và khả năng quản lý tài chính của giới trẻ. Những thông tin về việc giới trẻ tiêu xài hoang phí, lối sống YOLO (You Only Live One) hay là lối sống mua trả góp, xài thẻ tín dụng đối với các món đồ xa xỉ, hàng hiệu của giới trẻ luôn là một chủ đề luôn được truyền thông khai thác.

Tuy nhiên, thông tin thực tế lại cho thấy rằng trong thời điểm hiện tại, giới trẻ đã và đang bắt đầu có lối sống quản lý chi tiêu cho bản thân. Đặc biệt là sau khoảng thời gian mùa dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và tài chính, việc tiết kiệm tiền và sử dụng tài chính càng là một vấn đề mà giới trẻ xem trọng.

Một khảo sát tài chính của PwC về thói quen tiêu dùng vào tháng 02/2022 về quản lý chi tiêu với 9.180 người tham gia trong 25 quốc gia khác nhau cho thấy ở thế hệ gen Z, có đến 40% người trẻ dành sự quan tâm cao nhất và có những hành động đối với tiết kiệm chi tiêu, cụ thể hơn là cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng không thiết yếu.

Một khảo sát về người tiêu dùng của PwC cho thấy có đến 40% gen Z quan tâm ở mức cao nhất đối với tiết kiệm chi tiêu

Một khảo sát khác về PwC về người tiêu dùng thích ứng trong thị trường biến động vào tháng 4/2023 cho thấy có đến 54% người lựa chọn cắt giảm chi tiêu ở các mặt hàng xa xỉ, đắt tiền không thiết yếu, 42% người lựa chọn cắt giảm chi tiêu ở du lịch và 38% người lựa chọn cắt giảm chi tiêu ở các mặt hàng điện tử.

Điều này cho thấy giới trẻ hiện nay cũng đang có những sự chú tâm đến với khả năng quản lý tài chính của bản thân. Ta dễ dàng thấy được xu hướng tiết kiệm về thời trang, thói quen mua sắm và chi tiêu trong các món đồ thiết yếu đang được đề cao trên các nền tảng mạng xã hội.

Giới trẻ tiết kiệm như thế nào?

Những món thời trang giá rẻ, tiện lợi dần dần trở thành “hot trend” trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok shop hay các món đồ thời trang giá thành thấp từ Taobao cho thấy được người tiêu dùng Gen Z cũng đã bắt đầu có sự dè chừng, siết chặt trong cách mua hàng của mình. Ngoài ra, xu hướng mua đồ second hand bắt đầu thịnh hành trong giới trẻ cũng chính là minh chứng cho việc giới trẻ đang quan tâm đến việc quản lý chi tiêu cá nhân.

Hơn thế, những sản phẩm truyền thông có nội dung về việc nấu ăn tại nhà, nấu ăn với giá rẻ cho sinh viên, cách mua thực phẩm tối ưu cho ví tiền cũng đang dần là xu thế cho thấy thế hệ gen Z đang quan tâm nhiều hơn với việc tài chính cho các thực phẩm thiết yếu, hạn chế chi trả cho các bữa ăn bên ngoài một cách lãng phí mà tập trung hơn vào việc tiết kiệm và tối ưu tiền bạc với các bữa ăn tại nhà.

Thói quen đầu tư tài chính của Gen Z

Ngoài tiết kiệm tiền, giới trẻ cũng có thói quen về việc đầu tư tài sản để sinh lời, giúp cho dòng tiền không bị ứ đọng. Tuy nhiên, tư duy đầu tư của giới trẻ cũng có nhiều sự khác biệt so với những thế hệ người đi trước.

Trong khi những thế hệ trước ưa thích đầu tư vào những món hàng vật chất có khả năng sinh lời như vàng, kim cương, bất động sản thì thế hệ trẻ có tư duy đầu tư “số hóa” hơn nhờ vào việc được tiếp cận với các công nghệ số, nền tảng mạng xã hội và internet từ sớm.

Gen Z thường bắt đầu đầu tư qua các sàn chứng khoán và những nền tảng đầu tư trực tuyến khác. Các ứng dụng đầu tư bây giờ có giao diện dễ nhìn và chi phí giao dịch rất thấp, còn đem lại sự tiện lợi cho người đầu tư.

Đặc biệt hơn, sự bùng nổ của dich Covid-19 làm phong tỏa các khả năng tương tác trực tiếp với xã hội cũng giúp một phần cho việc đầu tư qua các nền tảng phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, vẫn có nhiều bạn trẻ với tư duy “ăn chắc mặc bền” với quyết định gửi tiền vào ngân hàng với mức đầu tư an toàn là khoảng vài phần trăm một năm tiền lời. 

Sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, giới trẻ ngày nay cũng đã có nhiều sự quan tâm và hành động đối với khả năng quản lý chi tiêu và khả năng đầu tư tài chính của bản thân. Ngoài ra, thời đại công nghệ số và khả năng tiếp cận tri thức qua các nền tảng công nghệ cũng ảnh hưởng rất lớn với tư duy đầu tư tài chính của giới trẻ trong xã hội ngày nay.

Ý kiến của bạn: