NewZgraphic: Cách giao tiếp phi bạo lực mà GenZ đang quan tâm là gì?

KIM LOAN - YẾN BÙI - TRỌNG AN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 5/5/2024, 17:00

(HTV) - Giao tiếp là cầu nối kết nối con người, là chìa khóa mở ra cánh cửa thấu hiểu và là nền tảng cho mọi mối quan hệ. Tuy nhiên, trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta thường vấp phải những "vết nứt" vô hình, đó chính là "Giao tiếp bạo lực".

Trong các cuộc đối thoại hàng ngày, theo Tiến sĩ Marshall Rosenberg, đa số chúng ta đều vấp phải quá trình dán nhãn, so sánh, yêu cầu, đánh giá, thiên vị, không lắng nghe hay đổ lỗi chỉ trích người khác hoặc chính bản thân mình. Đây là quá trình đối thoại được Tiến sĩ Marshall Rosenberg gọi là “giao tiếp bạo lực”.

Để có thể hiểu và bày tỏ cảm xúc của mình, tạo dựng những mối quan hệ dựa trên lòng thành thật và thấu cảm, thỏa mãn những những nhu cầu cá nhân mà không làm tổn thương người khác, chúng ta đều có thể thực hành phương pháp “giao tiếp phi bạo lực” (Non-violent Communication hay còn gọi là NVC) được phát triển bởi Tiến sĩ Marshall Rosenberg. 

Marshall Bertram Rosenberg là nhà tâm lý học, nhà hòa giải, tác giả và giáo viên người Mỹ. Bắt đầu từ đầu những năm 1960, ông đã phát triển phương pháp “giao tiếp phi bạo lực”, một quá trình hỗ trợ mối quan hệ đối tác và giải quyết xung đột cá nhân, các mối quan hệ và xã hội.

Giao tiếp phi bạo lực sử dụng bốn thành tố then chốt để giao tiếp thấu cảm hơn, không đổ lỗi hay chỉ trích:

Để hiểu rõ hơn về phương pháp giao tiếp phi bạo lực, cách thực hành của mô hình này cũng như bốn thành tố kể trên, bạn có thể xem qua video để hiểu rõ hơn nhé:

Vì thế khi áp dụng mô hình giao tiếp phi bạo lực trong đối thoại hàng ngày, chúng ta sẽ thể hiện được những mong muốn cá nhân cũng như đáp ứng được nhu cầu của đối phương mà không gây nên những “vết nứt”.
Ví dụ như, trong một cuộc cãi vã, chúng ta có thể áp dụng mô hình này để mối bất hòa được giải quyết dưới sự thảo luận của các bên. Thay vì đưa ra những lời chỉ trích, chúng ta có thể bắt đầu với bốn thành tố kể trên: quan sát, cảm nhận, nhu cầu, đề nghị.
Khi ta thấy cách hành xử của một ai đó gây tổn thương ta, chúng ta có thể nêu lên những quan sát của mình, cảm xúc để từ đó nhận biết được nhu cầu của mình là gì và cuối cùng là đưa ra lời đề nghị, chứ không phải mệnh lệnh. Ví dụ: “Tôi thấy rằng bạn đang có những quan điểm không tốt về tôi (quan sát) và điều đó khiến tôi thấy tổn thương (cảm nhận). Tôi rất mong muốn chúng ta có thể hiểu nhau hơn (nhu cầu) và vì thế bạn có thể dành một chút thời gian trò chuyện cùng tôi để hiểu nhau hơn (đề nghị)". 
Tuy vậy vẫn có các trường hợp, khi áp dụng mô hình giao tiếp phi bạo lực, quá trình đối thoại vẫn trở nên đứt gãy vì thế nên lưu ý rằng quá trình để thấu hiểu nhau phải đến từ hai phía. Cốt lõi của giao tiếp phi bạo lực (NVC) chính là lòng trắc ẩn, được thể hiện qua sự kiên nhẫn, chú ý lắng nghe và tập trung vào cảm xúc và nhu cầu của cả hai bên.
Giao tiếp phi bạo lực (NVC) là chìa khóa để mở ra cánh cửa thấu hiểu, đồng cảm và lòng trân trọng trong mọi mối quan hệ. Thay vì vướng vào những "vết nứt" của giao tiếp bạo lực như dán nhãn, so sánh, đổ lỗi, NVC giúp chúng ta kết nối với nhau một cách sâu sắc hơn, từ đó xây dựng những mối quan hệ bền chặt, xây dựng dựa trên sự thấu hiểu. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: