NewZgraphic: “Bóng đè”: Chứng bệnh ám ảnh trong mỗi giấc ngủ

HOÀNG NGÂN - HỒNG PHÚC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 21/3/2024, 17:10

(HTV) - Hiện tượng “Bóng đè” mặc dù được đồn đại bằng nhiều hiện tượng tâm linh khác nhau, song “bóng đè” đã được hoàn toàn giải thích bằng lý giải của khoa học.

Hiện tượng “bóng đè” được lý giải bằng khoa học

Sự thật về bóng đè lại trái ngược hoàn toàn so với những câu chuyện con người tạo nên. Bóng đè hoàn toàn là một hiện tượng khoa học và có rất nhiều cách để lý giải.

Bóng đè là tình trạng mất kiểm soát cơ kết hợp với ảo giác trong thời gian ngắn, xảy ra ngay sau khi ngủ hoặc thức dậy. Hiện tượng này được các bác sĩ gọi là chứng tê liệt khi ngủ.

Hiện tượng "bóng đè" hoàn toàn có thể lý giải bằng khoa học

Các nhà nghiên cứu nói rằng "bóng đè" xuất hiện khi một người thức giấc vào chu kì REM (cử động mắt nhanh) của giấc ngủ. Trong chu kỳ REM, chúng ta thường bước vào những cơn mơ và để cho cơ thể tránh phản ứng và hành động theo giấc mơ của mình, “bóng đè” xuất hiện để làm tê liệt và kiểm soát cơ thể của chúng ta. Đây là một sự thích nghi giúp cơ thể không làm những hành động nguy hiểm đến bản thân khi chúng ta nằm mơ.

Chứng bóng đè có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng các triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc thanh niên (từ 7 - 25 tuổi), và xảy ra thường xuyên hơn ở độ tuổi 20 - 30. Có ước tính cho biết khoảng 8% dân số nói chung bị bóng đè vào một thời điểm trong đời, nhưng không thông kê rõ về tần suất các đợt tái phát.

Vì sao bị bóng đè?

Các nhà nghiên cứu tin rằng có nhiều yếu tố liên quan cấu nên tình trạng bóng đè, trong đó rõ ràng nhất là việc rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về giấc ngủ khác. Tỷ lệ bị bóng đè cao hơn 38% ở những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Tê liệt trong khi ngủ cũng phổ biến hơn ở những người thường bị chuột rút chân vào ban đêm.

Những người có giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn hay bị chứng khó ngủ, mất ngủ hay buồn ngủ quá mức vào ban ngày cũng có tỉ lệ cao hơn trong việc mắc chứng bóng đè. 

Một số tình trạng sức khỏe tâm thần cũng có liên quan đến khả năng bị bóng đè. Những người bị rối loạn lo âu và hoảng sợ có nhiều khả năng gặp phải hiện tượng này hơn. Đặc biệt là những người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn hoặc trải qua những bạo lực về tinh thần, thể xác. 

Tuy thế, ta vẫn chưa hoàn toàn xác định được đâu là cốt lõi nguyên nhân của hiện tượng này mà cần thêm các nghiên cứu kỹ càng và sâu rộng.

Cách thoát khỏi bóng đè và phương pháp chữa trị

Khi bị bóng đè, tốt nhất là không nên quá hoảng loạn. Hầu hết mọi người bị bóng đè căng thẳng tâm lý, stress, lo lắng, thiếu máu não khi ngủ, giấc ngủ không đều kích thích lên vỏ não. Thay vào đó, hãy cổ di chuyển các phần cơ thể như ngón tay, ngón chân, mắt, cơ mặt. Thở đều và tỉnh táo giúp duy trì trạng thái bình tĩnh cho đến khi bóng đè kết thúc.

Về phương pháp điều trị chứng bóng đè, do mối liên hệ giữa chứng bóng đè và các vấn đề về giấc ngủ nói chung, cải thiện chất lượng giấc ngủ là trọng tâm để ngăn ngừa chứng bóng đè.

Bạn cần chuẩn bị về một giấc ngủ lành mạnh và tâm trí tỉnh táo để hạn chế chứng bóng đè. Ngoài ra cũng có một số loại thuốc có tác dụng ngăn chặn giấc ngủ REM (nằm mơ), từ đó ngăn chặn tình trạng bóng đè. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể đi kèm với tác dụng phụ và làm xuất hiện lại giấc ngủ REM khi ngừng sử dụng. Vì vậy ta cần tham khảo ý kiến và sử dụng theo liều lượng của bác sĩ.

Đây là những lý giải về tâm linh cũng như khoa học về bóng đè, giúp các bạn có một cái nhìn toàn diện hơn và có những biện pháp xử lý cũng như đối phó với chứng bóng đè này.

 

Ý kiến của bạn: