Nắng nóng, hạn mặn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp

VŨ TUYÊN - HỒ ĐỨC - LONG ĐỖ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/4/2024, 23:00

(HTV) - Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hiện đang bước vào cao điểm nắng nóng năm 2024, tình hình xâm mặn cũng trở nên gay gắt hơn.

Tại TP.HCM, người sản xuất nông nghiệp cũng lo ngại khi việc trồng trọt bị ảnh hưởng. Ghi nhận một số nhà vườn tại huyện Bình Chánh, địa phương có chiều nhiều tác động từ nắng nóng và xâm mặn.

Tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, sản phẩm nông nghiệp được trồng nhiều là bưởi da xanh. Và trong những ngày này, nắng nóng làm nhiều người nông dân lo lắng. Chẳng hạn như vườn bưởi Anh Tứ ở xã Phạm Văn Hai có diện tích 6 hecta. Những ngày qua, nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến vườn cây, cụ thể là nước tưới nhưng nắng nóng nên nước tưới mau bị khô. Từ đó làm trái bưởi bị cháy nhiều, như vậy sẽ thành hàng dạt, không tiêu thụ được. Khi đó chất lượng không còn, trái ăn bị sượng, mẫu mã không đẹp, nhiều trái phải bỏ.


Người sản xuất nông nghiệp lo ngại khi việc trồng trọt bị ảnh hưởng khi nắng nóng kéo dài cùng hạn mặn

Trước vấn đề này, ông Cao Bá Duy - Chủ tịch hội nông dân xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh cho biết, đã khuyến cáo, tuyên truyền nông dân chủ động nguồn nước tưới.

Còn tại xã Bình Lợi huyện Bình Chánh thì có 558 hộ trồng mai, với diện tích 510 hecta. Khoảng 2 tháng nay thì nguồn nước duy nhất ở các kênh dùng để tưới mai đã ảnh hưởng nghiêm trọng vì đã bị mặn xâm nhập.

Chủ tịch hội nông dân xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh - Phạm Thị Thanh Công cho biết cũng khuyến cáo người dân đo thường xuyên để coi độ mặn như thế nào lấy vào tưới. Nên sử dụng tưới nhỏ giọt và ít tốn lượng nước và chi phí đầu vào.

Trước tình hình biến đổi khí hậu gia tăng, Chính quyền TP.HCM đã khuyến cáo lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chủ động đối phó, thích nghi

Chi cục thủy lợi TP.HCM dự báo, tình hình xâm nhập mặn vẫn đang có xu hướng tăng cao, vượt ngưỡng năm 2023. Ngành nông nghiệp Thành phố khuyến cáo người dân bám sát thông tin dự báo, cảnh báo, tuân thủ theo hướng dẫn, quy định chỉ đạo sản xuất của chính quyền địa phương để chủ động đối phó, thích nghi và giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Về lâu dài, cần tính toán đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên loại cây chịu hạn mặn cao cũng là một giải pháp đối phó với diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết cực đoan hiện nay.

Ý kiến của bạn: