(HTV) - Những định hướng, chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã được các sở, ngành, đơn vị liên quan giải đáp tại Chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 9/2023.
Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho Thành phố và cả khu vực phía Nam. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm vẫn còn nhiều khó khăn.
Chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 9 với chủ đề: “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm”
TP.HCM là một trong những địa phương có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn nhất cả nước. Tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn Thành phố có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang gặp khó khăn về tuyển sinh. Phần lớn do tâm lý học sinh muốn theo học đại học hơn là trường nghề. Bên cạnh đó, thông tin về trường nghề vẫn chưa tiếp cận được với các phụ huynh và học viên.
Một số vấn đề cử tri TP.HCM quan tâm
Đối với công tác giải quyết việc làm, mặc dù trong 7 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải quyết việc làm trên địa bàn TP.HCM tăng 0,12%, việc làm mới tăng 0,18%, thế nhưng vướng mắc hiện nay thị trường lao động Thành phố phải đối mặt là doanh nghiệp khó tuyển dụng nhân sự đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, doanh nghiệp phải đào tạo lại sau khi tuyển mới.
Bà Pang Mỹ Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Linh Pang đặt vấn đề: “Doanh nghiệp chúng tôi có nhu cầu đào tạo nâng cao chất lượng, tay nghề cho đội ngũ người lao động, chúng tôi muốn hỏi Thành phố có chính sách hỗ trợ gì hay không?"
Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM
Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. Phần chênh lệch học phí sẽ do doanh nghiệp cử người đi học, người học thỏa thuận đóng góp.
"Người lao động khác thuộc các đối tượng chính sách như: Phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo,.. sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất 6 triệu đồng/người/khóa học dành cho người khuyết tật và thấp nhất là 2 triệu đồng/người/khóa học dành cho phụ nữ, người lao động nông thôn, bên cạnh đó, còn được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày và hỗ trợ 01 lần tiền đi lại nếu địa điểm học cách nơi ở từ 15km trở lên”, bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết.
Nhiều lượt theo dõi, tương tác trực tiếp với chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời"
Cùng với các câu hỏi trực tiếp tại trường quay, chương trình còn nhận được nhiều câu hỏi của cư tri thông qua fanpage, với các nội dung đáng chú ý như: Chính sách hỗ trợ thêm cho người lao động trong việc tìm kiếm việc làm mới và giảm bớt tình hình rút BHXH 1 lần; chính sách khuyến khích, hỗ trợ những học sinh tham gia học nghề sau khi tốt nghiệp THCS.
Về chương trình hỗ trợ người lao động, ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho biết, trước tình hình giảm đơn hàng còn tiếp diễn, Tổng Liên đoàn Việt Nam đã ban hành kết luận 02 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06 về hỗ trợ người lao động, đoàn viên bị mất việc, giảm việc. Thời gian triển khai từ ngày 1/1/2023 tới ngày 31/12/2023, với số tiền hỗ trợ dự kiến là 145.000 tỷ đồng.
"TP.HCM xây dựng kế hoạch hỗ trợ Tết Nguyên đán, trong đó chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ, đa dạng hình thức hỗ trợ người lao động, triển khai đề án phòng chống tín dụng đen trong công nhân lao động. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn TP.HCM đã có 158.000 người lao động đã được vay với số tiền 2.725 tỷ đồng", ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM thông tin thêm.
Ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM
Những kỳ vọng để việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt hiệu quả cao nhất
Nhấn mạnh giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng, không chỉ cung ứng nguồn nhân lực cho TP.HCM mà còn cho các tỉnh trong khu vực, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, mục tiêu của TP.HCM đến năm 2025, nguồn nhân lực qua đào tạo đạt 87% và đến năm 2030 đạt 89%. Đây là mục tiêu đầy thách thức, không đơn giản, song Thành phố quyết tâm để hoàn thành.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức
“Tập trung quan tâm, ưu tiên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là liên quan đến công nghệ sinh học, tự động hóa nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết 98 của Quốc hội; ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp, như: Hỗ trợ chi phí đào tạo cho người học, cho đội ngũ nhà giáo, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như triển khai tốt chương trình kích cầu; thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đặc biệt khâu kết nối cung - cầu. Chúng ta cũng sắp xếp lại mạng lưới theo hướng tinh giản làm sao tăng cơ sở giáo dục chất lượng cao, giảm chồng chéo", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin.
Vào tháng 10, Chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" sẽ phát sóng vào 9 giờ 00 phút sáng Chủ Nhật tuần đầu tiên với chủ đề: "Công tác bảo vệ môi trường - vấn đề rác thải nhựa".
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9