Nắm bắt cơ hội khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu

HOÀNG HƯƠNG - TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 14/1/2024, 15:15

(HTV) - Thuế tối thiểu toàn cầu với mức thuế suất 15% đã được Quốc hội thông qua theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024.

Với Việt Nam, thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được áp dụng sẽ tạo động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và ban hành chính sách mới, thu hẹp khoảng cách về chính sách với thông lệ quốc tế.

Tiến sĩ Bùi Quý Thuấn, Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa chia sẻ về luật thuế mới

 Tiến sĩ Bùi Quý Thuấn - Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa chia sẻ: "Điều này sẽ tạo ra sự công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài, giữa các nhà đầu tư lớn với các nhà đầu tư của các quốc gia khác đến với Việt Nam. Thì cái việc mà áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này nó cũng tạo ra những cái sự cạnh tranh và hiện nay là như chúng ta biết hiện nay ưu đãi của chúng ta là ưu đãi bằng thuế, điều này thì thực tế thì tôi thấy là rất nhiều các cái nhà đầu tư lớn thì cái việc mà ưu đãi bằng thuế của họ là họ không quan tâm, họ quan tâm đến cái vấn đề về môi trường kinh tế của Việt Nam, cái cơ sở hạ tầng cũng như là họ quan tâm đến chất lượng nguồn lao động hơn là vấn đề về thuế."

Công nhân của những nhà máy lớn tại Việt Nam

Ông Robert King - Lãnh đạo Dịch vụ Thuế Thị trường Đông Dương, Công ty Tư vấn EY Việt Nam chia sẻ: "Rất nhiều quốc gia đang cân nhắc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn, đây là cơ chế đáp ứng các hướng dẫn mà OECD đưa ra, và đặc biệt nó phù hợp những quy định của thuế tối thiểu toàn cầu."

 Hiện có 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Khi triển khai thực thi, Việt Nam sẽ thu thêm hơn 14.600 tỷ đồng tiền thuế trong năm nay. Tuy nhiên khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế của Việt Nam cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam không còn hiệu quả. Làm gì để giữ chân các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng như tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, khi lợi thế về thuế mà Việt Nam đang thực thi sẽ không còn hiệu quả. Đây là bài toán mà các bộ, ngành liên quan cần sớm giải quyết.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có nhận định về việc thuế tàn cầu

 GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: "Thuế TTTC tác động tới dòng vốn của các quốc gia đang phát triển trong đó có VN , trong đó có thuế, nhưng mà còn nhiều nhân tố khác ví dụ như thể chế hạ tầng, nguồn nhân lực ... thì cách tốt nhất là chúng ta phải sử dụng nguồn thu đó ntn để thu hút đầu tư nước ngoài"

Ký kết tổ chức hợp tác với OECD

 Hiện Bộ Tài chính đang xem xét xây dựng và ban hành quy định chính sách thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn nhằm tuân thủ theo hướng dẫn tại các văn bản, tài liệu quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đồng thời bảo đảm chính sách minh bạch, rõ ràng, nâng cao hiệu quả quản lý thuế; mở rộng cơ sở thuế phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội của Đất nước và thông lệ quốc tế. Về lâu dài, khi áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, môi trường kinh doanh sẽ ổn định, khu vực FDI sẽ đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: