Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell tham quan tòa nhà Hội đồng Dự trữ Liên bang, hiện đang được cải tạo, tại Washington, D.C., ngày 24/7/2025. (Ảnh: Reuters)
Căng thẳng giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell đã gia tăng trong thời gian qua. Ông Trump liên tục hối thúc Fed hạ lãi suất. Tuy nhiên, ông Powell khẳng định Fed cần phải duy trì tính độc lập nhằm đảm bảo các quyết định được đưa ra dựa trên dữ liệu kinh tế, chứ không phải từ áp lực chính trị.
Ông Trump liên tục hối thúc Fed hạ lãi suất. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump cho rằng Chủ tịch Fed Powell nên từ chức và nước Mỹ lẽ ra phải có lãi suất thấp nhất thế giới - dưới 1%.
Ông nói: "Nền kinh tế đang bùng nổ. Niềm tin doanh nghiệp tăng vọt. Thu nhập đi lên. Giá cả đi xuống. Còn lạm phát đã chết. Chúng ta đang có một Chủ tịch Fed rất tồi tệ. Chỉ mỗi điểm cơ bản thôi có thể khiến chúng ta mất 360 tỷ USD, trong khi lãi suất hiện giờ là 4,25 đến 4,5%."
Các chuyên gia phân tích cho rằng ông Trump muốn giảm chi phí vay của chính phủ, giúp ngân sách có thêm dư địa bù đắp cho thâm hụt từ đạo luật giảm thuế và tăng chi tiêu của ông. Các chuyên gia cũng cho rằng lãi suất thấp đến mức 1% sẽ không cho thấy Mỹ là nền kinh tế hấp dẫn nhất thế giới để đầu tư.
Với các nhà hoạch định chính sách, lãi suất hiện tại (4,25-4,5%) rất gần mức trung tính - nghĩa là không kích thích, và cũng không kìm hãm nền kinh tế Mỹ. Hầu hết nhiều chuyên gia tỏ ra dè dặt trong việc điều chỉnh chính sách khi còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng, điển hình là mức thuế quan của ông Trump và phản ứng của các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Powell nhấn mạnh: "Các biện pháp thuế quan chưa từng có của Tổng thống Trump đang khiến Fed gặp khó khăn trong việc dự báo lạm phát và xác định thời điểm cắt giảm lãi suất. Chính sách hiện tại của Fed là tạm dừng hạ lãi suất nhằm giải quyết tác động của thuế quan lên lạm phát."
Trong quá khứ, Fed từng áp dụng lãi suất 1%. Tuy nhiên, tất cả đều không nằm trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng tốt. Tỷ lệ thất nghiệp đều từ 6% trở lên.
Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích chủ tịch Fed vì không hạ lãi suất như ông mong muốn, thậm chí đe dọa sa thải ông Powell, nhưng sau đó đã rút lại. (Ảnh: Reuters)
Cụ thể, cựu Tổng thống George Bush từng điều hành đất nước trong thời kỳ Fed áp dụng lãi suất 1%. Đó là sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Tới tháng 1/2009, cựu Tổng thống Barack Obama tiếp quản nước Mỹ khi lãi suất xuống gần 0%. Khi đó, Washington còn chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, Fed cũng hạ lãi về gần 0% khi đại dịch COVID-19 làm tê liệt nền kinh tế.
Về chính sách thuế quan, Mỹ đã đạt thặng dư thương mại với Brazil, tuy nhiên, Tổng thống Trump tuyên bố vẫn sẽ áp thuế cao với hàng hoá từ quốc gia Nam Mỹ. Diễn biến này không chỉ đe dọa nền kinh tế Brazil mà còn có thể khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao hơn cho những mặt hàng quen thuộc như cà phê.
Brazil hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, chiếm gần 30% lượng cà phê tiêu thụ tại Mỹ, theo sau là Colombia (20%) và Việt Nam (10%). Trong những năm gần đây, Brazil xuất sang Mỹ 60 triệu bao cà phê mỗi năm.
Nhiều thương nhân đổ xô đi mua hạt cà phê từ Brazil trước thời hạn áp thuế quan 1/8 của Tổng thống Trump. (Ảnh: Reuters)
Tương tự, Brazil cũng chiếm hơn một nửa trong số 3 tỷ lít nước cam mà Mỹ nhập khẩu mỗi năm. Những năm gần đây, Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào nước cam nhập khẩu trong bối cảnh sản lượng trong nước sụt giảm, đặc biệt là ở Florida - nơi liên tục phải đối mặt với dịch bệnh cây trồng và thời tiết cực đoan.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo thu hoạch cam vụ mùa 2024/2025 của nước này sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 88 năm, kéo theo sản lượng nước cam có thể xuống mức thấp kỷ lục.
Theo các chuyên gia, tác động từ cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn của châu Mỹ có thể lan rộng, không chỉ ảnh hưởng đến nông dân và doanh nghiệp Brazil, mà còn khiến hàng triệu người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với bữa sáng đắt đỏ hơn.
Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ đã tăng trở lại trong tháng 6/2025, và đạt mức cao nhất trong 4 tháng qua. Các chuyên gia nhận định diễn biến này cho thấy chính sách thuế quan của Tổng thống Trump bắt đầu tác động đến nền kinh tế Mỹ.
Lạm phát tại Mỹ đạt mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay sau khi chỉ số CPI trong tháng 6 tăng. (Ảnh: Getty Images)
Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 vừa qua tăng 0,3%, đẩy tỷ lệ lạm phát lên 2,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,2% trong tháng 6 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Dù số liệu lạm phát của tháng 6 chưa thể hiện rõ nét sức ảnh hưởng của thuế quan đến giá cả, nhưng đây có thể là dấu hiệu ban đầu. Lạm phát sẽ phản ứng chậm với các mức thuế mà ông Trump công bố hồi tháng 4 khi các doanh nghiệp bán ra lượng hàng tồn kho được nhập khẩu trước khi thuế quan có hiệu lực.
Lo ngại lạm phát từ thuế nhập khẩu khiến hầu hết quan chức Fed đánh giá khó có thể nới lỏng tiền tệ ngay trong tháng 7. (Ảnh: Reuters)
Báo cáo lạm phát là dữ liệu quan trọng với các nhà hoạch định chính sách của Fed. Các thành viên sẽ tiến hành cuộc họp tiếp theo vào cuối tháng 7. Khi đó, họ sẽ thảo luận điều chỉnh chính sách dựa trên tỷ lệ lạm phát, thị trường lao động và nhiều dữ liệu khác.
Công cụ FedWatch cho thấy khả năng Fed giữ nguyên lãi suất là rất cao. Chủ tịch Fed Jerome Powell và các cộng sự của ông được cho là sẽ giữ nguyên cách tiếp cận thận trọng và tiếp tục quan sát diễn biến của nền kinh tế trước khi điều chỉnh lãi suất.
Chủ tịch Fed Jerome Powell và các cộng sự của ông được cho là sẽ tiếp tục quan sát diễn biến của nền kinh tế trước khi điều chỉnh lãi suất. (Ảnh: Getty Images)
Lo ngại lạm phát từ thuế nhập khẩu khiến hầu hết quan chức Fed đánh giá khó có thể nới lỏng tiền tệ ngay trong tháng 7.
Theo dự báo, Fed có thể tiến hành 2 lần cắt giảm từ nay đến cuối năm, mỗi đợt 0,25 điểm phần trăm. Giới đầu tư kỳ vọng lần giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 9 và lần thứ hai vào tháng 12.
Email:
Mã xác nhận: