Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã

May mắn gặp được bọ lá và chú rắn roi hiền lành

Trong "Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã" - phát sóng 10g25 Chủ nhật hàng tuần trên HTV7 - tập 2, bộ ba nhiếp ảnh gia Đào Tấn Phát, Dương Thái Dũng, Nguyễn Dũng quyết định đi rừng với hy vọng bắt gặp được nhiều loại côn trùng, bò sát.


Hai nhân vật chính của "Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã" tập 2

Nhiếp ảnh gia Đào Tấn Phát chia sẻ: "Thời điểm ghi hình vào mùa mưa, vào rừng sẽ có nhiều khả năng gặp được các loại côn trùng, bò sát.

Nhưng vì mưa nên rừng sẽ rất ẩm ướt, đi sâu vào trong rừng sẽ có rất nhiều vắt, cần cẩn thận. Tốt nhất nên lựa chỗ có khu rừng khô hoặc đường ven rừng, có nhà dân hoặc chỗ bìa rừng, sẽ không có vắt.

Ngay cả ở khu vực bìa rừng, chúng ta cũng phải lưu ý mối, kiến dưới thấp nếu bị tấn công sẽ cắn ta rất đau. Các cây tầm thấp thường có côn trùng, sâu gây kích ứng da nếu vô tình va phải. Hoặc dưới các lớp lá khô cũng thường có bọ cạp, rắn, rết nhỏ". 


Khả năng hóa trang tài tình của bọ lá

Sau một khoảng thời gian dài chưa bắt gặp được loài vật nào, bộ ba nhiếp ảnh gia những tưởng phải ra về tay không thì "Thần may mắn" đã xuất hiện.

Nhờ khả năng quan sát đầy bất ngờ của mình, nhiếp ảnh gia Dương Thái Dũng đã thực sự nhìn trúng một con bọ lá, trong khi anh Nguyễn Dũng vẫn khẳng định đó chỉ là một chiếc lá. Cuộc gặp gỡ thú vị này khiến anh Đào Tấn Phát phải reo lên: "Ôi hên quá! Bọ lá".

Theo chia sẻ của các nhiếp ảnh gia, bọ lá trong môi trường tự nhiên rất tĩnh lặng và bất động để hóa thân hoàn toàn thành chiếc lá, thỉnh thoảng nó sẽ tự động lắc người đung đưa theo gió. Một đặc điểm thú vị của bọ lá, khi sinh ra và ăn lá nào thì nó sẽ sao chép để có dáng vẻ giống y hệt loại lá đó".


Chú rắn roi thường này hầu như không gây hại cho con người

Chưa hết, trong chuyến đi lần này, các thợ ảnh còn bắt gặp được một chú rắn roi. Anh Thái Dũng và Nguyễn Dũng khá cẩn trọng nên không dám tiến lại gần. Qua anh Tấn Phát, họ mới biết được đây là loại răn roi thường, gần như không có hại gì đến con người, họ mới tiếp cận chú rắn nhỏ này.

Vừa để chú rắn trườn trên tay, anh Tấn Phát vừa tiết lộ: "Thực ra loài rắn roi này có độc ở nanh sau nhưng nó chỉ có tác dụng với bò sát, các loài lưỡng cư như ếch, chim chóc. Khi rắn thực hiện động tác nhai, nọc sẽ được bơm con mồi khiến nó bị tê liệt. Rắn roi thường có thể dài đến gần 2m". Các nhân vật kỳ này cũng đưa ra lời khuyên, nếu bắt gặp rắn, dù không biết là rắn thường hay rắn độc, tốt nhất không nên lại gần, và nhất là không nên tiến đến để... đập chết rắn.

"Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã" - 10g25 Chủ nhật hàng tuần trên HTV7. 

Thiên Bình