(HTV) - “Bếp chay 0 đồng không bao giờ hết được, mà sẽ còn mãi mãi” lời chia sẻ mộc mạc nhưng đầy nghĩa tình từ người giữ lửa, mang đến không chỉ bữa ăn no mà còn sưởi ấm lòng người.
Ở tuổi thất thập, lẽ ra ông bà cụ Trần Văn Hồng – Nguyễn Thị My đã có thể an nhàn, vui vầy bên con cháu. Vậy mà, ở căn nhà nhỏ 207 Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh, hai cụ lại chọn một con đường khác: Lo cho cái ăn của bà con lao động nghèo. “Bếp chay 0 đồng” là một nghĩa cử rất đẹp mang đậm đà cái nghĩa tình đó – nghĩa tình TP.HCM, một Thành phố bao đời nay vẫn vậy: năng động, phát triển, mà luôn chan chứa lòng nhân ái. Và cũng từ nghĩa cử, tinh thần ấy đã chạm đến trái tim chị Ngọc Quí – Phóng viên, biên tập viên Trung tâm tin tức HTV. Từ đó, chị cùng ê-kíp thực hiện tác phẩm “Lửa 0 đồng”, vừa giành giải vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc.


Đôi vợ chồng đã cùng nhau thắp lên những ngọn lửa nghĩa tình
.webp)
Cũng như bao người con đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM, chị Ngọc Quí – Tác giả phóng sự “Lửa 0 đồng” – dù không sinh ra ở Thành phố mang tên Bác, nhưng đã học tập, trưởng thành và gắn bó với nơi này. Chính tại đây, chị đã cảm nhận trọn vẹn cái tình của mảnh đất Sài Gòn – TP.HCM, một Thành phố không chỉ là đầu tàu kinh tế cả nước mà còn là nơi người ta thương nhau bằng những hành động rất đỗi chân thành. Chị chia sẻ: “Mọi người đã nghe rất nhiều về bếp ăn không đồng, và điều đó thật sự rất quen thuộc ở TP.HCM.”
Quả đúng vậy! Ở Thành phố này, chẳng ai xa lạ gì với những tấm bảng “0 đồng”, “miễn phí”, “tùy tâm” trên từng con phố, từng góc hẻm. Nơi đây, những hành động thiện nguyện, những con người sẵn sàng phụng sự xã hội một cách vô điều kiện đã trở thành nét văn hóa không thể tách rời. Chỉ cần hai chữ – “nghĩa tình” – là đủ để nói lên tất cả. Đó không chỉ là lòng trắc ẩn, mà còn là nghĩa đồng bào, là tình thương giữa những con người cùng chung sống trên mảnh đất này, không phân biệt gốc gác, quê quán.
Người Sài Gòn – TP.HCM là vậy, cái tình của họ không nằm ở lời nói mà thể hiện qua những dĩa cơm, những ổ bánh mì, những ly nước mát… Họ giúp nhau chẳng cần đắn đo, vì họ hiểu rằng ở nơi này, ai rồi cũng có lúc cần một bàn tay chìa ra giữa những ngày khó khăn. Và cũng bởi lẽ đó, ai đã từng sống ở đây, dù có đi đâu xa cũng khó lòng quên được cái tình, cái nghĩa của thành phố này.
.webp)
Và những bếp ăn 0 đồng, cũng chính là những nghĩa tình mà Thành phố dành riêng cho mảnh đời còn những thiếu thốn, khó khăn. Và dần dần, những bếp ăn này trở nên quen thuộc, thân quen với người dân ở chốn này. Tuy nhiên, với đôi vợ chồng nay đã ngoài 80 tuổi, ngày ngày đối diện với bao khó khăn trong cuộc sống, vậy mà vẫn bền bỉ duy trì bếp ăn này suốt nhiều năm qua, thì đó hẳn là câu chuyện khiến nhiều người cảm phục. Giữa TP.HCM ồn ào, náo nhiệt, ngọn lửa từ gian bếp của ông bà vẫn được thắp lên, vượt qua mọi rào cản của tuổi tác, của sức khỏe, của lo toan đời thường, để mang từng suất cơm đến với người lao động nghèo, người già neo đơn. Không một ngày nào đóng cửa – đó là hình ảnh của bếp ăn 0 đồng này suốt hơn 04 năm qua, và cũng là tâm nguyện của ông bà: “Còn khỏe là còn làm.” Bởi không chỉ có ông bà, ngọn lửa tình thương ấy đã, đang và sẽ được thắp mãi bởi những tấm lòng nhân ái ở "Thành phố nghĩa tình".
Ta là ai khi ta không còn nữa? Đó là câu hỏi mang tầm vĩ mô, một chủ đề thảo luận và cả tranh luận của nhiều triết gia trên khắp thế giới. Nhưng có lẽ, với đôi vợ chồng ở bếp ăn 0 đồng này, câu trả lời giản dị hơn nhiều. Họ chẳng bận lòng về sự vĩnh cửu hay danh vọng sau khi rời cõi sống. Với họ, cuộc đời gói gọn trong những nụ cười, những cái gật đầu cảm ơn của những vị khách vừa bỏ ra một số tiền 0 đồng nhưng nhận lại một bữa cơm đong đầy nghĩa tình.
Nhà văn người Đức Erich Maria Remarque từng nói: “Cái nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình thường.” Thế nhưng, giữa lòng Sài Gòn – TP.HCM, lòng tốt ấy chưa bao giờ vắng bóng. Nó hiện hữu trong đôi bàn tay bới từng đĩa cơm, trong ánh mắt hạnh phúc khi nhìn người ta no lòng rời đi. Hơn 04 năm qua, bất kể nắng mưa, gian bếp nhỏ vẫn đỏ lửa, bất kể tuổi tác, đôi vợ chồng ấy vẫn miệt mài, bởi họ tin rằng còn khỏe là còn làm, còn sống là còn san sẻ. Vậy nên, cần gì quan tâm đến những việc khi rời xa cõi sống, khi ta đã sống đủ đầy trong trái tim mình.

Giải vàng dành cho “Lửa 0 đồng” tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2025 đã khẳng định nhiều điều quan trọng.
Trước hết, về vai trò của truyền hình. Chia sẻ về những lợi thế mà truyền hình mang lại trong công tác truyền thông, đưa tin chị Quí nhận định: “Ở góc độ của người làm truyền hình, chúng ta có thể sử dụng những câu từ và hình ảnh mà báo viết hoặc báo mạng không thể miêu tả được. Mình cho rằng, là người làm truyền hình, mình có thế mạnh đó và cần phải khai thác triệt để.”, lấy dẫn chứng ngay trong chính tác phẩm, chị chia sẻ, những âm thanh, tiếng rao như: “Con ơi, khoai hông? Bắp hông? Bánh bò hông? Bánh tiêu hông?” giữa một dòng người tấp nập ở TP.HCM. Hay hình ảnh về “bước chân của bà, hình ảnh bước chân của bà lẩn khuất trong dòng người, nhưng mà nó rực sáng. Hình ảnh của một bà cụ vẫn rất bươn chải, cố gắng mỗi ngày để lo cho người khác.” đó chính là những điều mà không một câu chữ nào có thể làm được để chuyển tải những thông tin mang tính phi văn bản. Bên cạnh đó tác phẩm còn lấy hình ảnh chủ đạo, mà cũng chính nằm ở ngay nhan đề phóng sự - ngọn lửa. Đó là hình ảnh mà tác giả chia sẻ rằng: “...dù ngày ngày có trôi qua, dù có khó khăn như thế nào, nhưng với tấm lòng của ông bà, ngọn lửa ấy vẫn cháy. Nếu ngọn lửa này có tắt, thì ngọn lửa khác lại tiếp tục thắp lên. Đó chính là hình ảnh của TP.HCM, nghĩa tình mà tác phẩm muốn gửi gắm”.
Bên cạnh đó, giải thưởng còn là sự công nhận dành cho những người làm nghề chân chính.

Tác giả Ngọc Quí nhận giải vàng cho tác phẩm "Lửa 0 đồng"

Ngày nay, con người ta thảo luận nhiều về vai trò của con người trong thế giới nhân loại chung sống cùng A.I. (Trí tuệ nhân tạo). Nhưng, chắc chắn một điều rằng, khi nào lòng tốt, lòng nhân ái còn là thước đo của sự văn minh, thì khi ấy, con người vẫn là những người đứng đầu với sự hỗ trợ đắc lực của A.I. Và chắc chắn rằng, ngành truyền hình nói riêng và báo chí nói chung sẽ chỉ có thể phát triển thêm mà không thể bị thay thế bởi những công cụ đưa tin, vì một lẽ rất đơn giản, những công cụ ấy dù tinh vi đến đâu cũng không thể thay thế giá trị cốt lõi của nghề làm báo – đó là sự chân thành và cảm xúc chạm đến trái tim.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9