Các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa đạt được thỏa thuận lịch sử, theo đó tăng ngân sách quốc phòng lên 5% GDP, từ mức hiện tại là 2%, đồng thời khẳng định lại cam kết phòng thủ tập thể vững chắc của khối. Cũng tại hội nghị này, các nước phương Tây tiếp tục chia rẽ trong lập trường về Nga đối với xung đột tại Ucraina.
Hội nghị Thượng đỉnh NATO 2025 tại La Hay có sự tham dự của 32 nguyên thủ các nước thành viên, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Ucraina và Thủ tướng New Zealand (Ảnh: Reuters)
Ngày 24-25/6 vừa qua, lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhóm họp tại La Hay, Hà Lan, nhằm củng cố sự hợp tác và cam kết với liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO đã tập trung thảo luận khả năng răn đe và phòng thủ của liên minh, đảm bảo rằng NATO có đủ nguồn lực, lực lượng và khả năng để đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào. Tuy nhiên, bên cạnh cam kết bước ngoặt về mục tiêu chi tiêu quốc phòng, liên minh quân sự lớn nhất thế giới này cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực, khả năng chia rẽ nội bộ cùng bối cảnh địa chính trị thế giới đầy biến động.
Đây là hội nghị NATO đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ hai vào tháng 1 năm 2025 (Ảnh: Reuters)
Hội nghị năm nay được rút ngắn, bao gồm một buổi tiệc khai mạc và một phiên làm việc duy nhất, một phần để tránh cảnh Tổng thống Trump rời đi trước khi hội nghị kết thúc, giống như điều ông đã làm tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi giữa tháng 6.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức an ninh, từ cuộc xung đột chưa có hồi kết ở Ucraina, chương trình hạt nhân tại Iran, chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu gia tăng, cuộc chiến thuế quan, cho đến những rạn nứt nội bộ âm ỉ, cùng lo ngại về cam kết của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.
Trực thăng Mi-8, của Lực lượng Vũ trang Nga (Ảnh: Getty Images)
Ông Trump cho rằng Mỹ gánh vác quá nhiều gánh nặng tài chính, phải đóng góp 15,8% vào khoản chi tiêu hàng năm của NATO, tương đương với 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, mục tiêu 5% sẽ không hề dễ dàng đạt được. Đến nay, vẫn có nhiều nước thành viên NATO thậm chí còn chưa đến gần mức 2% chi tiêu cho quốc phòng, được đặt ra từ năm 2014.
Tây Ban Nha là quốc gia duy nhất tuyên bố không cần đạt ngưỡng này, cho rằng vẫn có thể đảm bảo nghĩa vụ với NATO. Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã đạt một thỏa hiệp ngoại giao với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez để đảm bảo hội nghị diễn ra suôn sẻ.
Tổng thống Ucraina Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Trong bối cảnh xung đột tại Ucraina vẫn chưa kết thúc, tuyên bố chung của hội nghị tái khẳng định cam kết chủ quyền bền vững của NATO trong việc hỗ trợ Kiev, bao gồm các khoản đóng góp trực tiếp cho quốc phòng của Ucraina. Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đến tư cách thành viên của nước này, cho thấy sự thận trọng và những căng thẳng trong liên minh liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ucraina.
Năm 2024, tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Washington-Mỹ, NATO tuyên bố tương lai của Ucraina nằm trong liên minh và cam kết hỗ trợ an ninh dài hạn với ít nhất 50 tỷ euro tài trợ hàng năm. Tuy nhiên, hiện cũng chưa rõ liệu chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ucraina hay không.
Mục tiêu chi tiêu quốc phòng hứa hẹn sẽ định hình lại cục diện an ninh toàn cầu (Ảnh: Kyodo)
Thỏa thuận mới thiết lập tại hội nghị năm nay được xem là giải pháp nội bộ của châu Âu để đối phó với những thách thức từ cuộc xung đột Nga - Ucraina. Đây có thể trở thành tiêu chuẩn mới, tạo ra áp lực và kỳ vọng đáng kể lên các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các chuyên gia đánh giá, thỏa thuận của NATO đang thiết lập một "tiêu chuẩn toàn cầu" mới mà Washington gần như chắc chắn sẽ sử dụng để gia tăng áp lực lên các đồng minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm 4 quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Tuy nhiên, phản ứng của các quốc gia trong khu vực rất khác nhau. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết thỏa thuận này là "bước tiến quan trọng", nhưng cũng tái khẳng định lập trường của Tokyo rằng năng lực quốc phòng không nằm ở số tiền chi tiêu, mà là ở nội dung thực chất.
Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết Nhật Bản sẽ chủ động củng cố năng lực phòng vệ dựa trên Chiến lược An ninh Quốc gia mới và các văn kiện quốc phòng liên quan (Ảnh: Kyodo)
Dù Nhật Bản và Australia đã đưa ra phản đối, song Washington vẫn kiên định với mong muốn các đồng minh khu vực đóng vai trò lớn hơn trong việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhằm giải phóng nguồn lực để tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thỏa thuận chi tiêu của NATO được xem là một bước tiến quan trọng giúp tăng cường khả năng của châu Âu trong quốc phòng, qua đó cho phép Mỹ chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng quá trình này sẽ mất nhiều thời gian, vì châu Âu có thể sẽ hành động chậm với nhiều lý do, bao gồm sự chia rẽ chính trị và sự phụ thuộc ngắn hạn đến trung hạn của họ vào một số công nghệ và năng lực tiên tiến của Mỹ.
Tổng thống Zelensky đứng trước hệ thống tên lửa phòng không Patriot trong chuyến thăm các binh sĩ Ucraina tại bang Mecklenburg, Đức, tháng 6/2024 (Ảnh: Getty Images)
Về lâu dài, một trụ cột châu Âu có năng lực và vững chắc hơn sẽ giảm nguy cơ mà Mỹ sẽ bị kéo vào cuộc đối đầu toàn cầu với nhiều đối thủ cùng lúc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại lập luận rằng việc phân chia trách nhiệm an ninh theo khu vực chưa được tối ưu. Họ cho rằng Mỹ sẽ mạnh hơn nếu giúp các đồng minh của mình hợp tác xuyên khu vực, thay vì theo cách cô lập ở từng nơi.
Dù vẫn còn tồn tại một số bất đồng, nhưng hội nghị NATO lần này cũng mở ra cơ hội để châu Âu cân nhắc xây dựng căn cứ quốc phòng tự chủ và bền vững hơn – như một phần trong nỗ lực củng cố vai trò, tính linh hoạt và khả năng thích ứng của liên minh trong giai đoạn đầy bất định phía trước.
Email:
Mã xác nhận: