Làm thế nào để tồn tại trong kỷ nguyên A.I.

PHÒNG CHƯƠNG TRÌNH NƯỚC NGOÀI // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 19/5/2023, 10:57

(HTV) - Trí tuệ nhân tạo (A.I.) đang là đề tài nóng nhất trong ngành công nghệ của thế giới.

Các tập đoàn công nghệ khổng lồ đang chạy đua để tung ra những sản phẩm A.I. trong nhiều lĩnh vực, khiến công chúng choáng ngợp và thích thú với những tiến bộ vượt bậc của A.I.

Bên cạnh đó, cũng có những chuyên gia công nghệ hàng đầu bày tỏ lo ngại về những thay đổi lớn lao mà trí tuệ nhân tạo có thể mang đến. Vậy làm thế nào để con người thích ứng và tồn tại trong kỷ nguyên mà trí tuệ nhân tạo sẽ trở nên phổ biến?

Tiến sĩ Li Jiang - Giám đốc chương trình Aire, Đại học Stanford cho biết: "Nếu một công việc nào đó do con người làm, có giá trị là 1000 đô la. Nhưng vì con người không thể tính toán nhanh hơn máy, vậy thì bạn để cho robot làm việc đó. Khi đó, sẽ tốn khoảng 200 đô la. Trí tuệ nhân tạo sẽ khiến cho nhiều việc làm mất đi trong tương lai. Ngày nay, học sinh có rất nhiều thông tin. Tình hình ngày nay hoàn toàn khác trước đây. Nhưng chúng ta vẫn áp dụng cách giáo dục như trước đây để dạy chúng".

Cho nên chúng ta cần chuẩn bị cho thế hệ tương lai cách học để sáng tạo, để nảy ra ý tưởng mới, sử dụng A.I. để giúp chúng ta.

Một số người nghĩ rằng không thể dạy cho người khác cách sáng tạo được. Tuy nhiên suy nghĩ đó thay đổi, nhờ vào Tư duy Thiết kế (Design Thinking) theo mô hình do đại học Stanford đề xướng. 

 Theo tiến sĩ Li Jiang, Phương pháp này được dùng để dạy cách sáng tạo một cách có hệ thống

Bước đầu tiên là Empathize (thấu cảm). Trước hết, bạn phải hiểu là bạn đang sáng chế, phát minh cho ai? Cho ba mẹ bạn hay cho trẻ em? Bạn phải hiểu người sử dụng là ai? Sau đó phải thấu cảm với họ, nhất là với cảm xúc của họ.

Bước thứ hai là Define (Xác định). Bạn phải xác định đúng vấn đề ngay từ đầu.

Sang bước thứ ba là Ideation, tức nảy sinh ý tưởng, sử dụng kỹ thuật brainstorming (động não) để nảy sinh ra nhiều ý tưởng, và sau đó nhận phản hồi từ người sử dụng. Bạn chọn ra các ý tưởng tốt để làm sản phẩm mẫu. Bước thứ tư là làm sản phẩm mẫu, và thử nghiệm sản phẩm, và thu thập phản hồi về sản phẩm.

Sản phẩm thử nghiệm có thể tốt hoặc kém, nhưng bạn phải làm cái việc gọi là "thiết kế lại", phát minh lại. Chúng tôi có một câu là  "Tất cả thiết kế đều là thiết kế lại". Ví dụ như, có khi đến đây bạn nhận ra đã không xác định đúng vấn đề, thế là phải quay lại bước thứ hai. Phải đi qua tuần tự các bước này. Cuối cùng bạn có thể có những phát minh coi được.

 

 "Tất cả thiết kế đều là thiết kế lại"

Ví dụ về một lớp ở Stanford. Dự án của họ là làm thế nào để chế tạo nhiều lồng ấp trẻ sơ sinh tốt cho Nepal. Đầu tiên, nhiều học viên nói rằng chỉ cần thiết kế tại California là có lồng ấp tốt.

Nhưng rồi chúng tôi nói, bạn phải có sự thấu cảm. Cần phải đi đến tận nơi. Nếu bạn chưa từng đến Nepal thì làm sao có thể thiết kế sản phẩm cho Nepal? Thế là họ bay đến Nepal và đến vùng núi. Và họ ngạc nhiên nhận ra rằng có những máy ấp trẻ sơ sinh rất đắt tiền ở các trung tâm y tế. Người dân ở đó không thiếu máy ấp, mà họ không biết cách sử dụng máy. Vấn đề đã được xác định sai. Các học viên phải xác định lại vấn đề. Sau đó họ trở lại các ngôi làng và nói chuyện với những người nông dân ở đó. Người dân nói rằng chúng tôi cần những máy như thế nhưng không phải ở các trung tâm y tế. Chúng tôi cần máy ở trong nhà chúng tôi. Chúng tôi cần những chiếc máy giá rẻ. Và thế là các học viên của chúng tôi đã thiết kế ra một kiểu máy rất rẻ, có tính năng như máy ấp trẻ sơ sinh và rất thành công. Đó là một ví dụ điển hình về cách vận dụng tư duy thiết kế để giải quyết vấn đề.

Ứng dụng A.I. gây ngạc nhiên đầu tiên và nhiều nhất là ChatGPT. Nó có thể trò chuyện bằng văn bản với con người một cách rất là tự nhiên, và còn có thể viết code lập trình. Có vẻ như nó biết rất nhiều, và thông minh hơn nhiều người. Nó sẽ tạo ra những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục, bởi vì ngày nay học sinh có thể dùng ChatGPT để viết bài luận hoặc làm bài tập về nhà. Cho nên, các giáo viên cần phải nghĩ cách để làm sao ứng phó với điều đó.

Bên cạnh những quan điểm thích thú với A.I., nhiều chuyên gia công nghệ hàng đầu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại của A.I. Họ cho biết nhiều thông tin mà A.I. cung cấp là do A.I. bịa đặt ra. Điều họ lo ngại nhất là A.I. tạo ra một xã hội mà thông tin giả lan tràn, khiến người ta không biết tin vào ai. Chẳng hạn như bức ảnh giả này về Đức Giáo Hoàng Francis, hay ảnh giả về việc cựu Tổng thống Trump bị bắt giữ.

Vấn đề ứng xử như thế nào với A.I. sẽ tiếp tục là đề tài nóng đối với nhân loại trong thời gian tới.

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: