"Hoàng Mai Lưu: Những nghệ sĩ tiền phong" kể về hành trình đầy tự hào của nhóm Hoàng Mai Lưu - khai sinh ra dòng nhạc hành khúc cách mạng - được phôi thai từ một câu lạc bộ học sinh trường Pétrus Ký.
Tháng 8 lịch sử đầy vẻ vang của lớp lớp người đi trước
Cuối tuần qua trên sóng HTV9, khán giả yêu thích phim tài liệu HTV có dịp thưởng thức bộ phim "Hoàng Mai Lưu: Những nghệ sĩ tiền phong" với những thước phim và thông tin tư liệu đầy quý giá.
Phim mở đầu bằng không khí lịch sử, khi mỗi độ Thu về, tháng 8 trở thành nỗi nhớ đọng lại trong tâm khảm của người dân TP.HCM. Tuổi trẻ hôm nay thừa hưởng một truyền thống quật cường của lớp lớp những người đi trước, kể từ mùa Thu này ngày 23 lịch sử ấy, như vang mãi trong lời ca "Mùa thu rồi ngày 23. Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền..." của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn.
Bộ ba chàng trai tiên phong Hoàng Mai Lưu
Những năm thập niên 30 của thế kỷ trước, lịch sử đã vô tình đặt ba chàng trai tiên phong lại bên nhau, thành bộ "ba chàng trai ngự lâm" của Cách mạng tháng Tám, với chung cái tên Hoàng Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước).
Họ đã mở ra một trào lưu văn nghệ cách mạng xuất sắc từ ngưỡng cửa trường Trung học Pétrus Ký, trong đó, Huỳnh Văn Tiểng là người đề xướng thành lập một câu lạc bộ học sinh năm 1935 tại trường và rồi cả ba đã trở thành trung tâm của đông đảo bạn bè học sinh, biết lấy văn nghệ làm vũ khí, âm nhạc là mũi nhọn để nhóm lên ngọn lửa yêu nước trong nhóm học sinh lúc bấy giờ.
Bài hát đầu tiên của Hoàng Mai Lưu
Bài hát đầu tiên của bộ ba Hoàng Mai Lưu là "Hành khúc thanh niên Nam kỳ" do Mai Văn Bộ viết lời bằng tiếng Pháp, bởi người Pháp không cho ca tiếng Việt trong trường.
Hoàng Mai Lưu sở hữu một bộ ba tài năng như thiên phú, Lưu Hữu Phước thần đồng âm nhạc ở tuổi lên 5, Mai Văn Bộ sớm nặng tình với nàng thơ, còn Huỳnh Văn Tiểng có thiên tư về kịch nghệ.
Những vở kịch đầu tiên trên ghế nhà trường của ông như "Thầy Pháp Gạc-dong" ngụ ý vạch trần "mưu ma chước quỷ" của thực dân Pháp đến vở "Lương Kha" lên án một chế độ hủy hoại tài năng người bản xứ, được diễn tại nhà hát Tây. Dĩ nhiên, người Pháp thẳng tay cấm diễn.
Trích "Hoạt cảnh Diên Hồng"
Năm 1940, khi họ học đại học ở Hà Nội, tại Nam kỳ nổ ra cuộc khởi nghĩa và bị diệt trong máu lửa. Lập tức, họ cho ra đời bài "Tiếng gọi sinh viên" (Lưu Hữu Phước) và giờ đây, họ không úp mở nữa mà gióng thẳng tiếng chuông giải phóng đất nước.
Tiếp theo, bộ ba Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước và cả Nguyễn Thành Nguyên cho ra bài "Bạch Đằng giang", và sau đó đến "Ải Chi Lăng" (Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ), "Người xưa đâu tá" (Lưu Hữu Phước)... nhưng mới lạ hơn cả là hoạt cảnh "Hội nghị Diên Hồng" (Hoàng Mai Lưu), đã thức tỉnh dân ta ngẩng cao đầu trước mũi lê của quân Nhật, "Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến..."!
Giáo sư, Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê kể chuyện Hoàng Mai Lưu
Còn một tài năng kiệt xuất nữa của nhóm Hoàng Mai Lưu là Trần Văn Khê, một nghệ sĩ từ trong trứng nước, là nhạc trưởng, là đạo diễn dàn dựng tất cả những nhạc phẩm, những vở tuồng của nhóm Hoàng Mai Lưu một cách hết sức sống động và không ít lần, ông đã cứu những tình thế cực kì hiểm nghèo trước bọn mật thám.
Cuối năm 1942, họ trở về Nam, bấy giờ nhóm Hoàng Mai Lưu mới chính thức ra mắt quốc dân đồng bào và được sự đùm bọc chí tình của các bậc đàn anh như: Dược sĩ Trần Kim Quang, Kĩ sư Nguyễn Văn Đức, Giáo sư Hồ Văn Lái...
Năm 1943, tại Sài Gòn nổi lên một sự kiện đình đám, họ mướn cho kì được nhà hát Tây Sài Gòn để tổ chức ba đêm đại nhạc hội. Tại đây, nhóm Hoàng Mai Lưu dám "cả gan" dựng vở kịch "Đêm Lam Sơn" (Huỳnh Văn Tiểng) kể chuyện Lê Lợi cùng nhân dân trừng phạt quân Minh ngay trước bọn mật thám Pháp và Nhật.
Nhóm Hoàng Mai Lưu trưởng thành qua hành trình hơn 10 năm
Sau đó, họ trở ra Hà Nội để học tiếp. Bấy giờ, cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa đang sôi sục, họ lập tức trở về Nam, tìm cách liên lạc với Xứ ủy Nam Kỳ. Nhưng chẳng may, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Hải Trừng bị Pháp bắt giam vào khám lớn Sài Gòn cho đến sau ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chánh Pháp, họ mới thoát ra. Huỳnh Văn Tiểng sau đó gặp được Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu và ngay lập tức, họ đặt mình dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy.
"Lên đàng" - một khúc quân hành, một khúc tráng ca có sức mạnh phi thường
Tháng 6/1945, số sinh viên này là trụ cột để thành lập và lãnh đạo Phong trào thanh niên tiền phong, đội quân chủ lực của Xứ ủy Nam Kỳ. Theo yêu cầu của Xứ ủy, đoàn quân tiền phong phải có bài ca chính thức của nó.
Chỉ trong ba ngày, nhóm Hoàng Mai Lưu đã cống hiến cho cách mạng bài hát "Lên đàng" hùng tráng - một khúc quân hành, một khúc tráng ca có sức mạnh phi thường và thiêng liêng, khiến triệu triệu con người sẵn sàng vì nước quên thân, đánh đuổi giặc Pháp, giành độc lập cho dân tộc.
"Tây Thi gái nước Việt" do Mai Văn Bộ sáng tác năm 1948
Riêng với nhà thơ Mai Văn Bộ, khi miền Nam đã giải phóng, Nhà xuất bản Trẻ đã cho tái bản vở kịch thơ thất lạc bấy lâu "Tây Thi gái nước Việt" với tên tác giả là Hoàng Mai, do ông sáng tác năm 1948.
Vở kịch thơ này đã được soạn giả Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), người nghệ sĩ Đảng viên Cộng sản, đưa lên sân khấu Việt kịch Năm Châu những năm kháng Pháp cho đến những năm dưới thời Ngô Đình Diệm, được đồng bào Sài Gòn ủng hộ nhiệt liệt. Vở "Tây Thi gái nước Việt" đã trở thành tuyên ngôn của người nghệ sĩ và cũng là tấm gương chiếu soi rõ bộ mặt hung hãn của bọn tay sai ngoại bang.
Các nghệ sĩ tiền phong Hoàng Mai Lưu sống mãi với non sông đất nước
Giờ đây, người dân TP.HCM và đồng bào Nam bộ vẫn tự hào về một lớp con em qua một hành trình chẵn 10 năm (1935-1945), từ một câu lạc bộ học sinh trường Petrus Ký khởi xướng một dòng âm nhạc yêu nước đến nhóm Hoàng Mai Lưu đã khai sinh ra dòng âm nhạc hành khúc cách mạng mà bài "Lên đàng", có sức mạnh diệu kỳ khiến triệu triệu người liều chết xông lên giành lại độc lập cho xứ sở.
Đó là những khúc tráng ca thế kỷ mà chỉ có tinh thần bất tử cách mạng mùa thu và bầu nhiệt huyết của nghệ sĩ cách mạng tiền phong mới sáng tạo được. Những khúc ca hùng tráng ấy cùng với tên tuổi của các nghệ sĩ tiền phong Hoàng Mai Lưu đã và sẽ sống mãi với non sông đất nước.
Thiên Bình