Niềm hy vọng cũng có nhiều tên gọi khác nhau. Song, ở Việt Nam niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ bên ngôi nhà sàn, nơi Người đã sống và làm việc từ tháng 5/1958-8/1969. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chỉ đến lúc này, tôi mới càng cảm thấy hiện lên rõ nét một ông cụ có dáng vóc tầm thước, phong thái điềm đạm mà tôi có may mắn được gặp vào tháng 10/1966 trong căn nhà đơn sơ của Người ở Hà Nội. Lòng kính yêu và quý trọng vô hạn của người Việt Nam đối với Bác Hồ đã đưa tôi đến với Người như đến với một người đã rất thân và kính trọng, trạc tuổi với ba tôi đã qua đời.
Lúc đó, cuộc leo thang ném bom của đế quốc Mỹ là một mối đe dọa thường xuyên. Đêm biến thành ngày, ngày làm đêm. Tôi được đến thăm Người trước 6 giờ, vào giờ ăn sáng. Tôi không bao giờ quên cảm giác trong mát và sảng khoái của buổi sáng hôm ấy dưới bầu trời ửng hồng của Hà Nội đang chiến đấu. Những cô gái tiếp tục cảnh giới trên các mái nhà sau một đêm không ngủ, khi có còi báo động...
Chúng tôi bước vào một vườn cây xanh, sương ban mai còn đọng trên lá, ánh sáng tỏa khắp vườn trong sự yên lặng khó tả. Có thể đó là ánh sáng từ một con người vĩ đại mà tôi sẽ gặp, thôi thúc tôi bước nhanh hơn. Chúng tôi đi giữa hai hàng cây trên một đoạn đường ngắn và đủ để tôi nhớ lại tất cả những điều mà tôi biết về Bác Hồ - người đứng đầu Nhà nước, một nhà thơ, một chiến sĩ. Những bài thơ Người viết trong nhà tù chứa đầy ánh trăng dịu hiền và khát vọng tự do.
Tôi thường ôn lại một trong những bài thơ Người viết trong những giờ phút đen tối đó:
“Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ"[1]
Tôi biết, trong 40 năm ròng, Chủ tịch Hồ Chí Mỉnh đã đấu tranh quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, trong đó có cả những năm phải đấu tranh trong lao tù. Nhưng khi trả lời câu hỏi của nhà báo nước ngoài: “Cụ đã ở tù bao nhiêu năm?”, Người chỉ nói bằng ý rất thơ: “Thời gian trong tù thì bao giờ cũng dài”.
Đồng chí Grêcốp, Đại sứ Bungari ở Hà Nội kể lại:
Khi đồng chí Anđrây Bansép, bác sĩ của chúng ta hy sinh ở Việt Nam trong khi làm nghĩa vụ quốc tế của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đến sứ quán Bungari không cầm được nước mắt, hỏi: “Chúng ta sẽ báo tin cho mẹ đồng chí đó như thế nào?”. Và khi tới thăm Xôphia, Người muốn được gặp mẹ của đồng chí Bansép. Những vấn đề quốc gia quan trọng không làm cho Người quên sự quan tâm đến một bà mẹ đang phải chịu những mất mát, đau thương. Chính mẹ đồng chí Bansép đã kể lại cho tôi kỷ niệm rất cảm động về cuộc gặp gỡ ấy và sự thông cảm qua giọng nói ấm áp của Người.
Như một vị thượng khách, Người đã để lại trên đất nước chúng tôi một câu nói quý giá: “Ngày nay, nhân dân Bungari đã tự tạo được ngay cả từng đồng xu mà họ cần thiết”.
Chúng tôi dừng lại trước cánh cửa đã mở của một càn nhà nhỏ phủ đầy bóng mát. cảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là lọ hoa hồng trên bàn và một cụ già vóc người tầm thước mà tôi đã được biết qua tranh ảnh. Đó là người Việt Nam cao nhất trong số những người Việt Nam mà tôi đã gặp.
Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp, thứ tiếng mà Người nói rất giỏi. Nhà thơ Tố Hữu cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ. Chúng tôi uống nước chè ướp hương sen không có đường, như sinh hoạt trong một gia đình bình dị.
Người là Chủ tịch nước mà chỉ mặc bộ quần áo bà ba giản dị, chân đi đôi dép cao su. Bắt gặp tôi đang chăm chú nhìn lọ hoa hồng - ở đây hoa hồng được coi là sự chúc mừng đối với Tổ quốc tôi - Người nói bằng lời lẽ dễ hiểu rằng trong mọi hoàn cảnh, Người vẫn có lọ hoa hồng đặt trên bàn làm việc. Chỉ có sự hà khắc trong nhà tù mới tước mất thói quen đó của Người. Lúc này, tôi mới nhận thấy hết ý nghĩa những bông hoa hồng nở nhụy, tỏa hương trên chiếc cầu nối liền hai đất nước xa xôi chúng ta là như thế nào.
Người hỏi tôi đã đi thăm những nơi nào ở Việt Nam. Người vui mừng khi biết tôi đã được vào thăm Khu 4, một vùng bị ném bom, bắn phá ngày đêm, để tận mắt thấy lòng dũng cảm đáng kinh ngạc của những con người bình thường. Người sửa cho tôi phát âm chữ “Thanh Hóa” và giải thích thêm âm thứ hai “hoa”, ví dụ như “hoa” hồng. Tôi không thể tìm cách lặp lại đúng phát âm của chữ “hóa”, Người lưu ý tôi về âm điệu của tiếng Việt Nam, vạch vào không khí những bậc, những nốt và chỉ dẫn cho tôi cách lên xuống giọng và những âm nào cần phải nói như hát. Phải là một nhà thơ thực thụ mới có thể cảm thấy đúng từng thanh điệu chi tiết như vậy trong tiếng nói của dân tộc mình.
... Chúng tôi nói về thị trấn Phủ Lý bị tàn phá ác liệt trước đó mấy ngày. Tôi vẫn còn có những cảm giác nóng hổi về cái miệng núi lửa sâu thẳm, trong đó đã thiêu cháy thị trấn đẹp đẽ này, nơi tôi đã đi qua trước khi nó bị tàn phá. Không để tôi tự trấn tĩnh, Người kể tiếp là đã chứng kiến sự bình tĩnh và dũng cảm của nhân dân mình, như một điều ngạc nhiên nhất trong chiến đấu là sự gan góc của phụ nữ Việt Nam.
Khi tiễn tôi ra về, theo tập quán của Việt Nam cũng như của Bungari, chúng tôi dừng lại ở cửa hồi lâu, nói những câu cuối cùng về văn thơ của Người, mà không muốn chia tay. Qua nụ cười dí dỏm, Người nói rằng, Người không phải là nhà thơ. Trong nhà tù, không có việc gì làm, nên Người cũng “tập ghép vần” thêm. Tôi rút trong túi xách của mình tập “Nhật ký trong tù” của Người đã được dịch ra tiếng Pháp và xin Người cho chữ ký kỷ niệm. Tôi làm việc này sau cùng khi gần tạm biệt Người. Con người vĩ đại có một thứ ánh sáng rất kỳ diệu. Người có phong cách rất tự nhiên và bình dị. Chính vì thế mà lúc nào tôi cũng cảm thấy gắn bó với hình ảnh của Người.
Ngày nay, tôi rất xúc động nhìn lại nét chữ chân phương, điềm đạm của Người với màu mực còn đỏ tươi trên trang đầu của tập thơ.
Trong những ngày các thành phố và làng mạc Việt Nam có nguy cơ biến thành trơ trụi, sự tàn phá đang đe dọa Thủ đô Hà Nội và sự chết chóc đang đe dọa những em bé Việt Nam, trong tình huống đó, với nghị lực của tuổi già, Người vẫn giữ được tự chủ trong quan niệm cũng như trong hành động. Người hy vọng rất sâu sắc vào nhân dân, cũng như nhân dân đặt hy vọng to lớn vào lãnh tụ của mình.
Sự chết chóc không thể nào dập tắt được niềm hy vọng đó.
Tôi ra về. Một ông cụ vóc người tầm thước, đôi mắt đăm chiêu, mặc bộ đồ bà ba màu cà phê, chân đi đôi dép cao su đơn sơ, bình dị dừng lại ở ngưỡng cửa.
Hồ Chí Minh! Niềm hy vọng lớn nhất!
----------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.327 (B.T)
Bài viết trong sách Bác Hồ trong trái tim những người bạn quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Nhà văn BLAGA ĐIMITROVA (Bungari)