GS, TS Nguyễn Huy Dung - người từng điều trị cho Bác Hồ - qua đời

GS, TS, Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Huy Dung - người đã luôn cận kề bên Bác Hồ cho đến khi Bác trút hơi thở cuối cùng - vừa qua đời, chiều 10/5.

Theo thông tin từ gia đình, bác sĩ Nguyễn Huy Dung qua đời lúc 16h30 ngày 10/5 tại nhà riêng ở Quận 1, TP.HCM, vì tuổi cao, hưởng thọ 94 tuổi. Linh cữu của GS, TS, Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Huy Dung được quàn tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5, Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM). Lễ nhập quan lúc 15h ngày 13/5. Lễ viếng từ 16h ngày 13/5 đến 8h ngày 15/5. Lễ động quan vào lúc 9h ngày 15/5, hỏa táng tại Hòa Lạc Viên - Hoa viên Nghĩa trang Sala Garden (Tân Hiệp, Long Thành, Đồng Nai).



GS,TS, Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Huy Dung lúc sinh thời.

GS,TS Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Huy Dung, sinh năm 1931, tại làng Mọc Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông là em ruột Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (phu nhân cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong) và Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Bác sĩ Nguyễn Huy Dung là một trong những Tiến sĩ y khoa đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học Moskva Pirogov năm 1959, bảo vệ tiến sĩ tại Viện Tim của Viện Hàn lâm khoa học y toàn Liên Xô năm 1963. Với cương vị Ủy viên Hội đồng sức khỏe Nhà nước, ông đã góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe các lãnh đạo trung ương.

Năm 1966, bác sĩ đã được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ. Ông cũng là người đã luôn cận kề bên Bác cho đến khi Bác trút hơi thở cuối cùng. Sau này, ông được bổ nhiệm qua các vị trí công tác Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), Chủ nhiệm bộ môn Nội (Đại học Y Dược TP HCM), Đại học Y Phạm Ngọc Thạch.

Ông được tặng thưởng danh hiệu cao quý như Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Tự Do hạng Ba (CHDCND Lào), Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cùng nhiều huân huy chương.

Bác sĩ Nguyễn Huy Dung là bác sĩ đầu ngành Tim mạch của Việt Nam. Phần lớn thời gian trong sự nghiệp, ông dành cho các công trình khoa học về nội khoa và tim mạch học. Bác sĩ có hai công trình lớn là "Nghiên cứu đột quỵ do xuất huyết não ở Việt Nam" (1963-1967) và "Bệnh sốt thấp cấp ở Việt Nam" (1964-1970). Những năm sau này, ông còn nghiên cứu thêm hai vấn đề chính là "Nghiên cứu về tiên lượng cho từng nhóm bệnh nhân tăng huyết áp" và "Phối hợp trị liệu cho các bệnh tim mạch". Những đánh giá và tiên đoán của ông đã giúp các bác sĩ rất nhiều trong hiểu sâu và điều trị bệnh tăng huyết áp bởi vào thời điểm đó, y học thế giới vẫn chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Ông cũng là người đã chỉ ra ba điểm còn hạn chế của "Bảng phân tầng nguy cơ tăng huyết áp" của Ủy ban Liên quốc gia về phòng chống, bảo vệ, đánh giá và điều trị bệnh tăng huyết áp, trong khi bảng này được đánh giá khá cao trên thế giới. Chỉ một năm sau đó, những tiên đoán của ông đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bổ sung đầy đủ trong bảng phân tầng mới.

Cuối thế kỷ 20, khi nghiên cứu về "phối hợp trị liệu", ông cho rằng đây là điều tất yếu trong thế kỷ mới. Đến bây giờ, dự đoán xu hướng ấy hoàn toàn chính xác. Không chỉ tham gia khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, bác sĩ Nguyễn Huy Dung còn tích cực tham gia công tác giảng dạy cho sinh viên y khoa cho nhiều thế hệ bác sĩ Việt Nam.

Một số tập thơ được xuất bản của ông Nguyễn Huy Dung.

Ngoài chuyên môn y học, sau khi nghỉ hưu, bác sĩ còn dành tâm huyết việc sáng tác thơ. Ông là tác giả của gần 100 bài thơ, một số tuyển tập được xuất bản như Thiên nhiên giữa hồn tôi (Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương năm 2001), Nửa gánh (NXB Hội nhà văn năm 2001), Thanh thản Đăm-B'ri (NXB Trẻ năm 2002), Thời gian (NXB Trẻ năm 2003), Yêu có nguội dần (NXB Tổng hợp TP HCM năm 2003), Dung thông thi (NXB Tổng hợp TP HCM năm 2004), Huyền diệu (NXB Thanh niên năm 2004), Cát pha lê (NXB Văn nghệ TP HCM năm 2005.

Nguồn: vnexpress.net