Góc nhìn HTV: Để BHXH thật sự là quyền lợi chứ không là gánh nặng

ĐÀO TRƯNG - TẤN LỘC - ĐỖ ĐỨC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 6/9/2024, 17:00

(HTV) - BHXH, BHYT, BHTN là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, dựa trên nguyên tắc người lao động đóng góp khi có việc làm để hỗ trợ bản thân và gia đình trong các giai đoạn khó khăn như ốm đau, tai nạn, sinh đẻ, chăm sóc con cái, và khi về già.

Ở mọi quốc gia, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giữ vai trò trụ cột, bền vững trong hệ thống an sinh xã hội, dựa trên nguyên tắc cơ bản: người lao động khi có việc làm và khỏe mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, thu nhập để hỗ trợ bản thân hoặc người khác khi ốm đau, tai nạn, lúc sinh đẻ và chăm sóc con cái, lúc tuổi già để duy trì và ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình.

Thực hiện chính sách bảo hiểm là để đảm bảo sự bình đẳng về vị trí xã hội của người lao động trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định cuộc sống, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro.

Tính tới tháng 6/2024, TP.HCM có hơn 2,5 triệu người tham gia BHXH. Số tiền thu BHXH đạt hơn 43.000 tỷ đồng, tăng 7,93% so với cùng kỳ năm 2023.

Ở góc độ nhà nước, BHXH, BH thất nghiệp, BHYT là một công cụ đắc lực phân phối lại thu nhập một cách công bằng, hợp lý giữa các tầng lớp dân cư, đồng thời giảm chi cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Hàng chục năm qua, quyền lợi của các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và mức sống chung của toàn xã hội tại từng thời điểm, đảm bảo cuộc sống của người tham gia BH và đặc biệt là người hưởng lương hưu sau cả cuộc đời lao động cực nhọc.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh và các giải pháp tính toán mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng của các nhóm đối tượng tham gia đã thật sự bình đẳng, minh bạch, tương xứng với niềm tin của người lao động hay chưa? Cần những thay đổi gì về cơ chế để tính đúng - tính đủ về quyền lợi, cơ chế thực hiện chính sách cởi mở và linh hoạt, cốt lõi và nhân văn?

Thủ tục BHYT và BHTN nhiều năm qua có những cải cách đáng kể, khiến người lao động tạm hài lòng về quyền lợi được hưởng. Tuy nhiên, ở hạng mục lương hưu, nhiều người lao động vẫn băn khoăn.

Ghi nhận tại một xóm trọ gần 70 phòng, hầu hết các gia đình đều có 2 vợ chồng cùng làm công nhân, mọi sự rủi ro, bất trắc đều cần có một chỗ dựa vững chắc.

Theo anh Nguyễn Khoa Hoàng Ty chia sẻ: "Không biết tính lương hưu sao mà khối viên chức nhà nước với khối lao động phổ thông khác nhau quá. Đã vậy, luật mới quy định người tham gia sau 2025 thì chỉ rút BHXH một lần được có 50%."

Anh Phạm Thủ Đức cho biết: "Tới 35-40 tuổi thì công nhân không có ai nhận nữa. Mà để chờ tới 62 tuổi nhận lương hưu thì lấy gì đóng vào quỹ tiếp? Chúng tôi muốn rút 1 lần, và mong quy định hiện hành phải cho rút từ lúc làm thủ tục trong vòng 6 tháng chứ hiện nay tới tận 1 năm sau mới được rút." 

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Tươi - Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân chia sẻ: "Em thấy các anh chị em công nhân phần lớn đều tham gia BHXH đầy đủ. Có một số ít thì nhất quyết giữ quan điểm không muốn tham gia mà muốn nhận luôn số lương thực chứ không muốn trích đóng."

Người lao động không hiểu cách tính lương hưu. Họ cũng không muốn chờ đợi thêm vài chục năm để được nhận lương hưu, vì lo sợ mức lương hưu đó cũng không đủ sống. Điều này đặt ra vấn đề làm sao để hấp dẫn, thu hút người lao động tiếp tục tham gia BHXH nhằm đảm bảo an sinh về già?

Anh Nguyễn Văn Được là chủ một doanh nghiệp có 30 nhân viên. Tuân thủ các chính sách đóng BHXH theo pháp luật quy định, anh khẳng định đây là một chính sách lớn để giữ vững an sinh xã hội. Tuy nhiên, anh cũng nêu lên những bất cập cụ thể qua các trường hợp mình đã trải nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp.

Trong khi vẫn phải suy nghĩ các giải pháp để tiến tới một chính sách BHXH thật sự công bằng, thì các cơ quan chính sách lại gặp một vấn đề nhức nhối khác: nợ BHXH. Theo danh sách của BHXH TP.HCM đăng công khai trên website, hiện có hơn 17.000 đơn vị chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên. Số tiền nợ lên đến hơn 6.800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết: “Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận cố tình trốn hoặc chậm đóng BHXH nhằm chiếm dụng khoản tiền này. Một số người lao động chưa hiểu rõ về pháp luật BHXH, chỉ lo cơm áo trước mắt, chưa lo đến tương lai nên chưa quan tâm đến quyền lợi của mình trong việc đóng BHXH. Đối với doanh nghiệp, họ còn sử dụng tiền lẻ ra phải đóng BHXH cho mục đích khác. Vì vậy, khi khó khăn kéo dài, họ phải nợ BHXH, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.”

Thượng tá Ngô Thuận Lăng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM chia sẻ: “Cơ quan bảo hiểm nên đề xuất tách bạch hai hành vi trốn đóng và chậm đóng, đóng thiếu thành hai nội dung riêng để hoàn thiện Điều 39 Nghị định 22, giúp thanh tra, kiểm tra rõ ràng và làm cơ sở pháp lý xử lý vi phạm hành chính hoặc truy tố trách nhiệm hình sự. Chúng ta cần một quy trình tống đạt chuẩn xác để làm cơ sở ban đầu, nếu tái phạm thì truy tố hình sự. Người lao động cần hiểu và phải là người tố giác, gửi thông tin cho các cơ quan chức năng, trước hết là BHXH quận huyện và cơ quan điều tra nếu mức độ vi phạm cao hơn.”

Từ năm 2020 đến nay, Công an Thành phố đã tiếp nhận 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động do cơ quan BHXH chuyển qua. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khởi tố bất kỳ vụ án nào do thiếu các quy trình pháp lý cần thiết.

Ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc BHXH TP.HCM chia sẻ về luật BHXH từ 2024: Công thức tính lương hưu sẽ áp dụng như nhau cho cả hai khối công và tư. Đối với những người tham gia trước thời điểm này, sẽ có sự khác biệt và áp dụng theo quy định cũ. Tính lương hưu là một trong những nghiệp vụ phức tạp nhất của BHXH. Việc người lao động không hiểu là điều dễ hiểu vì họ không có kỹ thuật và kiến thức chuyên môn để thực hiện. Công thức chung có thể áp dụng, nhưng các biến số lại khác nhau đối với từng trường hợp, không ai giống ai cả.

 

Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt, không ngừng sửa đổi, bổ sung để giúp hệ thống chính sách BHXH được hoàn thiện. Các quan hệ BHXH được thiết kế, điều chỉnh và vận hành ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, từ cơ chế chính sách ra đến thực tiễn đời sống vẫn còn một khoảng cách khá xa, buộc các cơ quan chuyên ngành phải tiếp tục lắng nghe, tiếp tục tư duy, cải tiến, đổi mới để BHXH thực sự trở thành niềm tin, chỗ dựa vững chắc của mọi người dân.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: