Giá trị của lời dẫn cho chương trình chính luận

VĂN KHÁNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 26/2/2024, 12:19

(HTV) - Một chương trình chính luận (ví dụ như Thời sự) có thể hấp dẫn khán giả bằng những lời dẫn tinh tế, thi vị và đầy chất lãng mạn không? Câu trả lời: Không gì là không thể! Lời dẫn là chất xúc tác nghệ thuật.

Lời dẫn có vai trò quan trọng đối với mọi chương trình truyền hình. Đối với mảng chính luận, lời dẫn là sợi dây kết nối, dẫn dắt vào các phóng sự và cụm nội dung. Lời dẫn cũng là cơ sở để người dẫn chương trình (BTV hiện dẫn, MC) giao lưu, đưa khán giả vào những câu chuyện hấp dẫn trong chương trình.

Một điều đáng lưu tâm khác là, chính nhờ lời dẫn hay, hấp dẫn, thi vị, có chút lãng mạn… khán giả cảm nhận được mọi khía cạnh nội dung. Không phải vì nghe “chính luận” mà nghĩ rằng nội dung tin tức, thời sự là khô khan, không hấp dẫn.

“Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”

Chương trình đặc biệt đón giao thừa Tết Giáp Thìn (tối ngày 09/02/2024) kéo dài gần 05 tiếng đồng hồ, bao gồm nhiều cụm/khối nội dung. Trong đó, đội ngũ Trung tâm Tin tức đóng vai trò xuyên suốt, kết nối và dẫn dắt toàn bộ chương trình. Do đó, người tổ chức sản xuất – biên tập chính phải nắm chắc từng cụm nội dung do đơn vị mình sản xuất và các cụm/tuyến nội dung của những đơn vị khác (Ban Ca nhạc và Ban Văn nghệ; Ban Chuyên đề).

Từ đó, BTV tổ chức sản xuất chọn những điểm nhấn để đầu tư lời dẫn, kết nối các phần/cụm nội dung lại với nhau, và gắn với chủ đề xuyên suốt của Chương trình giao thừa là “Tết hội ngộ - Xuân yêu thương”.

Điểm nhấn thứ nhất là phóng sự “Chuyện đẹp ngày Xuân” của BTV Kiều Minh. Phóng sự nói về chuyến bay nghĩa tình hỗ trợ nhiều anh chị em về quê, chủ yếu là phía Bắc, đón Tết cùng gia đình. Phóng sự nhẹ nhàng, không ủy mị, sướt mướt, nhưng chạm đến cảm xúc của người xem: Nỗi nhớ da diết khi xa gia đình và niềm vui vỡ òa khi được về nhà dịp Tết.

Theo trình tự phát sóng, phóng sự này nằm ở cuối Phần 1 (Thời sự đặc biệt); ngay sau đó là một ghi nhận ngắn về “Thảm đỏ chương trình nghệ thuật ‘Tết hội ngộ - Xuân yêu thương’”. Ở đây cần một ý tứ để kết nối và BTV tổ chức sản xuất đã đưa vào một đoạn từ một bài thơ của nhà văn Sơn Nam. Và cảm giác là tuyệt vời không tả nổi!

Bút tích của nhà văn Sơn Nam chép lại bài thơ trên

Những vần thơ chạm vào tâm hồn của nhà văn Sơn Nam cách đây đã 63 năm, như nói lên nỗi lòng nhớ quê hương luôn thổn thức trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Với những ai phải xa quê vì cuộc mưu sinh, thì niềm mong chờ được gặp lại gia đình và người thân - nhất là trong dịp Tết - lại càng sâu đậm. Được HỘI NGỘ trong vòng tay YÊU THƯƠNG của gia đình là điều quý giá nhất.

Đoạn thơ trên trích từ bài “Thay lời tựa” trong tập truyện ngắn nổi tiếng “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam viết năm 1961. Bài thơ dài 28 câu viết về thuở tiền nhân xưa từ miền Trung tha hương vào khai hoang mở cõi phương Nam. Đó là một bài thơ độc đáo hiếm thấy của nhà văn Sơn Nam mà nhiều người đã thuộc lòng vì điệu buồn chất chứa trong từng âm điệu, câu chữ. (Nguồn tham khảo: Báo Cần Thơ Online)

“Mùa bình thường, mùa vui nay đã về…”

Đến cuối Phần 2 (Xúc cảm đêm Xuân), cần có một đoạn giao lưu để kết thúc và chuyển qua cụm nghệ thuật “Tết hội ngộ - Xuân yêu thương”. Những giai điệu của bài hát đi cùng năm tháng “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao đã vang lên và giúp cho nhóm sản xuất thăng hoa.

Điều thú vị là ca khúc này được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1976 - năm Bính Thìn, cũng là năm Thìn cách đây 48 năm! Khi đó, nhạc sĩ Văn Cao mong muốn có tác phẩm mừng Xuân đầu tiên đất nước hòa bình, thống nhất. Tuy vậy, phải gần 20 năm sau, đến năm 1995, bài hát mới phổ biến đến công chúng.

Nhạc sĩ Văn Cao

“Mùa xuân đầu tiên” với những giai điệu nhẹ nhàng, thiết tha: “Mùa bình thường, mùa vui nay đã về”... Nói là bình thường, nhưng để được cái “bình thường, bình yên, bình dị” như cuộc sống chúng ta vẫn luôn trân quý, thì cả dân tộc phải trải qua bao sóng gió.

“Mùa bình thường, mùa vui nay đã về” thực sự nói lên mong đợi, khát khao muôn đời của người dân Việt Nam về hòa bình, về an vui, về YÊU THƯƠNG, về HỘI NGỘ. Đó là nền tảng trong tâm thức của chúng ta, đặc biệt trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Trong đêm Xuân nhiều xúc cảm, chúng tôi tin tưởng rằng một mùa Tết được hội ngộ trong yêu thương luôn là mong mỏi của mọi người, mọi nhà. Ai mà không mong mỏi một cái Tết ấm áp trong không khí đoàn viên, kết nối mọi gia đình…

“Lòng ta hằng nung nấu nguyện ước của Bác Hồ”

Điểm nhấn thứ ba về lời dẫn trong Chương trình giao thừa là mở đầu Phần 5 (Thành phố vào Xuân), ngay sau bài phỏng vấn của nhóm BTV HTV với Giáo sư Hoàng Chí Bảo về những vần thơ chúc Tết của Bác.

Một điều thú vị mà BTV tổ chức sản xuất nắm được là, ngay sau khi Phần 5 kết thúc (cũng là kết thúc toàn bộ Chương trình giao thừa), HTV sẽ truyền hình trực tiếp một tiết mục hòa tấu nhạc dân tộc với bài hát “Mùa xuân trên trên quê hương” (nhạc sĩ Hoài Mai sáng tác năm 1976 – cũng là năm Thìn!).

Đây là một bài hát tha thiết với ca từ rất ý nghĩa, bày tỏ lòng biết ơn và thương nhớ Bác Hồ. Và những ca từ ấy đã trở thành chất liệu cho lời dẫn không thể nào hay hơn!

Nhạc sĩ Trần Hoài Mai

Nhạc sĩ Trần Hoài Mai sinh ngày 13/10/1932; quê Thủ Đức, Sài Gòn (TP.HCM). Ông tập kết ra Bắc; năm 1960 ông về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Cuối năm 1964, ông trở về miền Nam cùng Đoàn Ca Múa Giải phóng. Từ sau 1975, ông chuyển sang công tác tại Hội Âm nhạc TP.HCM cho đến lúc nghỉ hưu.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: