(HTV) - Các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) hôm 24/6 đã thông qua gói trừng phạt thứ 14 chống lại Nga, trong đó bao gồm các hạn chế đối với việc trung chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.
Gói trừng phạt thứ 14 của EU nhằm vào Nga bao gồm lệnh cấm các công ty xuất khẩu khí đốt từ Nga, sử dụng các cảng của Liên minh châu Âu để chuyển khí đốt giữa các tàu chở dầu lớn và các tàu nhỏ hơn dành cho các nước thứ ba, nhưng không có lệnh cấm hoàn toàn đối với các quốc gia EU mua nhiên liệu.

Các cường quốc phương Tây nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Mátx-cơ-va trong ngày 24/6/2024. Nguồn ảnh: Reuters
Theo tuyên bố, gói này cũng sẽ bổ sung thêm 116 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt, nâng tổng số lên hơn 2.200. Tuyên bố cũng nêu rõ, các hạn chế mới đối với khí đốt của Nga được đặt ra nhằm đảm bảo các cơ sở của EU sẽ không được sử dụng để vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sang các nước thứ ba, từ đó làm giảm doanh thu đáng kể mà Nga thu được từ hoạt động bán và vận chuyển LNG.
EU cũng cấm các dịch vụ vận chuyển LNG của Mát-xcơ-va trên lãnh thổ các nước trong khối, nhằm mục đích thực hiện các hoạt động trung chuyển sang nước thứ ba.

Tàu chở dầu Gazprom Neft LNG Dmitri Mendeleev được chụp ở biển Baltic gần cảng Ust-Luga, Nga. Nguồn ảnh: Reuters
27 thành viên trong khối EU đã thảo luận về gói trừng phạt mới này trong hơn 1 tháng qua. Lệnh trừng phạt này ban đầu gặp nhiều trì hoãn do một số quốc gia lên tiếng phản đối, bao gồm cả từ Đức và Hungary. Hai quốc gia này trước đó từng tuyên bố sẽ ngăn chặn mọi lệnh trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng.Đây cũng là lần đầu tiên EU ban hành lệnh trừng phạt đối với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng - loại hàng hóa mà một số quốc gia thành viên của khối vẫn tiếp tục mua từ Nga.
Cũng trong ngày 24/06, trong cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao EU tại Luxembourg, Chánh ủy viên phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết ông sẽ đưa ra đề xuất về cách tránh bất kỳ quốc gia thành viên nào ngăn chặn việc sử dụng tiền thu được từ các quỹ tài chính bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraina.

Chánh uỷ viên phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell. Nguồn ảnh: Reuters
Phát biểu trước cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao EU tại Luxembourg, ông Borrell nói:
"Những tài sản bị đóng băng của Nga có phát sinh tiền lãi, và chúng tôi phải tìm ra cách để sử dụng chúng. Chúng tôi có một quy trình để điều này diễn ra nhanh chóng. Số tiền đầu tiên sẽ đến vào tuần tới, vào tháng 7. Số tiền thứ 2 sẽ đến khoảng vài tháng sau đó. Chúng tôi có một quy trình pháp lý để tránh bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào."
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9