Dùng tiền Nga giúp Ukraina - Phương Tây đang toan tính gì?

MINH TÂM - HUY PHONG - TRÚC ÂN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 29/6/2024, 12:17

(HTV) - Vừa qua, bất chấp những cảnh báo từ phía Nga, các nước phương Tây đã đi đến thống nhất về cách xử lý số tài sản của Nga, đang bị phương Tây phong tỏa, để viện trợ cho Ucraina. Phương Tây đang toan tính những gì khi đi nước cờ này?

Ngay sau khi lực lượng Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina, Mỹ và các đồng minh đã phản ứng bằng cách áp đặt biện pháp phong tỏa tài sản của nhà nước Nga, bao gồm tiền, cổ phiếu, vàng và trái phiếu các chính phủ, trị giá ước tính lên đến khoảng 300 tỷ đôla Mỹ.

Phương Tây đang phong tỏa số tài sản Nga ước tính vào khoảng 300 tỷ USD, nhưng trong đó chỉ có khoảng 5 tỷ USD nằm ở Mỹ, phần lớn còn lại nằm ở Châu Âu

Không chỉ dừng ở mức phong tỏa tài sản Nga, trong hơn 2 năm qua, các nước phương Tây đã tranh luận về việc tịch thu số tài sản này để viện trợ cho Ucraina. Cuộc tranh luận diễn ra ráo riết nhất vào thời điểm gói viện trợ vũ khí trị giá 61 tỷ USD mà chính phủ Mỹ hứa dành cho Ucraina, bị trì hoãn tại Quốc hội Mỹ do những tranh cãi trong chính trường Mỹ.

Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả tương xứng nếu phương Tây đe dọa tịch thu tài sản của Nga. Nước này cho rằng động thái này làm xói mòn luật pháp quốc tế và uy tín phương Tây. 

Người phát ngôn Điện Kremli, Dmitry Peskov, từng nhấn mạnh: "Các nước châu Âu hiểu rõ rằng những quyết định như thế sẽ làm tổn hại cho nền kinh tế của họ; và tổn hại hình ảnh, và uy tín của họ, như là một người đảm bảo đáng tin cậy cho sự bất khả xâm phạm của tài sản."

Phương Tây muốn dùng tài sản của Nga để viện trợ cho cuộc chiến đấu của Ucraina và quá trình xây dựng lại nước này sau xung đột

 Washington muốn dùng toàn bộ số tiền bị phong tỏa để viện trợ cho cuộc chiến đấu của Ucraina, duy trì nền kinh tế và viện trợ cho quá trình xây dựng lại nước này. Mặc dù Mỹ giữ vai trò chính trong việc thúc đẩy kế hoạch sử dụng số tài sản này, nhưng số tài sản của Nga ở Mỹ chỉ có khoảng 5 tỷ đô la, trong khi phần lớn số tài sản hàng trăm tỷ đô la Mỹ còn lại, nằm ở các ngân hàng châu Âu. Điều này khiến cho việc xử lý số tài sản bị phong tỏa của Nga trở nên rất phức tạp.

Nơi cất giữ số tài sản lớn nhất trong số 300 tỷ USD của Nga là Công ty tài chính Euroclear của Bỉ, đang nắm giữ khoảng 200 tỷ USD. Nguồn ảnh: Collage The Gaze by Leonid Lukashenko

Các nước Châu Âu không đồng ý với quan điểm của Mỹ, và mong muốn một cách tiếp cận thận trọng hơn. Theo các nước châu Âu, việc phương Tây phong tỏa tài sản Nga tạo ra một hố đen về mặt pháp lý và chính trị, vì phương Tây hiện không nằm trong tình trạng chiến tranh trực tiếp với Nga.

Sau 2 năm tranh cãi, tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italia, các nhà lãnh đạo các nước G7,  gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italia, quyết định dùng đến số tiền dễ tiếp cận hơn. Đó là số tiền lãi phát sinh từ số tài sản bị phong tỏa của Nga. Thay vì sử dụng toàn bộ số tài sản bị phong tỏa, họ sẽ cho Ucraina vay 50 tỷ đôla Mỹ, và khoản vay này sẽ được đảm bảo bằng số tiền lãi nói trên.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi động thái này của G7 là quyết định mang tính lịch sử.

Phương Tây nhất trí dùng tiền lãi phát sinh từ tài sản Nga để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay cho Ucraina

Các nhà phân tích đánh giá đây là một sự thỏa hiệp trong nội bộ phương Tây, mà các nước châu Âu trong nhóm G7 đã hết sức cân nhắc, nhằm tránh những rắc rối về pháp lý, và những biện pháp đáp trả của Nga, đồng thời đạt nhiều mục tiêu cùng lúc.
Gillian Tett - Trưởng Ban Biên tập tờ báo tài chính Financial Times, phân tích: “Có hai lý do khiến châu Âu không tịch thu toàn bộ số tài sản nói trên. Một là nhiều nước châu Âu không muốn tạo ra một tiền lệ là: nếu nước nào đó gửi tài sản của họ bên trong châu Âu, và khi có tranh cãi địa chính trị lớn xảy ra, những tài sản đó có thể bị tịch thu. Họ lo ngại rằng khi đó các nước khác sẽ không chọn châu Âu làm nơi cất giữ các tài sản tài chính nữa. Nên nhớ là châu Âu đang nỗ lực hết sức để duy trì vai trò là một trung tâm tài chính của thế giới, không để cho tất cả ngành này chuyển sang New York, hoặc Singapore hoặc Dubai trong tương lai. Thứ hai là, biện pháp tịch thu tài sản, nếu được thực hiện, là biện pháp vĩnh viễn và không thể đảo ngược. Khi chọn cách sử dụng số tiền lãi, thay vì số tiền gốc, nghĩa là sẽ có tiền cho Ucraina, đồng thời nếu tình hình thay đổi trong tương lai, chẳng hạn như Nga và Ucraina đạt thỏa thuận hòa bình, thì số tài sản bị phong tỏa có khả năng sẽ được giao lại cho Nga." 

Nhà báo Gillian Tett: Châu Âu lo ngại các nước khác không chọn châu Âu làm nơi cất giữ tài sản. Nguồn ảnh: ©BELGAIMAGE

Biện pháp này được đưa ra sau khi Quốc hội Mỹ trì hoãn trong một thời gian dài việc thông qua gói viện trợ quân sự cho Ucraina. Quyết định tịch thu toàn bộ số tài sản của Nga, nếu thực hiện, sẽ phải trải qua một quá trình thủ tục và pháp lý kéo dài. Nỗi lo sợ tái diễn sự trì hoãn kéo dài ở Quốc hội Mỹ, như đối với gói viện trợ vũ khí cho Ucraina, được cho là một động lực thúc đẩy nhóm G7 chọn biện pháp này. 

Phương Tây lo ngại tái diễn tình trạng trì hoãn tiền viện trợ cho Ucraina, như đã xảy ra với gói viện trợ 61 tỷ USD mà chính phủ của Tổng thống Biden đã hứa với Ucraina. Sau nhiều tháng trì hoãn, đến tháng Tư vừa qua, gói viện trợ đã được Quốc hội Mỹ thông qua

Nước cờ này còn thể hiện sự “phòng xa” của châu Âu, đề phòng trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump, người có quan điểm phản đối chính phủ Mỹ viện trợ cho Ucraina, tái đắc cử:

“Trong trường hợp đó, nước Mỹ sẽ có một tổng thống có vẻ như nhìn chung không tin vào luật lệ, và trật tự quốc tế. Cho nên họ cố gắng thiết lập một con đường viện trợ cho Ucraina không thể dễ dàng bị đảo ngược.”, Gillian Tett, Trưởng ban biên tập Financial Times, nhận định.

Việc biến tài sản bị phong tỏa thành tài sản bị tịch thu, để cung cấp cho Ucraina, đòi hỏi phải đi qua một quá trình pháp lý phức tạp và kéo dài, phải giải quyết tại tòa và liên quan đến cả luật trong nước và các nguyên tắc pháp lý quốc tế.

G7 muốn đề phòng trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng

Bằng việc tránh tịch thu tài sản của Nga, các nhà lãnh đạo G7  muốn tránh  những rào cản đáng kể về pháp lý và chính trị mà  các chính phủ Mỹ trong tương lai có thể dựng lên.

Ngoài ra, biện pháp này là một thỏa thuận ràng buộc nhiều nền kinh tế lớn tham gia, vì vậy khó có một nước đơn lẻ nào có thể đảo ngược, dù cho nước đó có nhiều ảnh hưởng như Mỹ.

Hiện chính phủ các nước G7 vẫn còn đang bàn bạc chi tiết cụ thể về khoản vay 50 tỷ đôla Mỹ cho Ucraina. Một quan chức Pháp cho biết số tiền này sẽ được giải ngân trước cuối năm 2024, trọn gói, một lần, thay vì chia nhỏ ra nhiều lần như các gói viện trợ khác. Thoạt nhìn, đây có vẻ như là một giải pháp khéo léo, nhưng nó ẩn chứa nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách của các nước G7.

Quyết định được các nhà lãnh đạo G7 thống nhất tại hội nghị ở Italia ngày 13/6. Các nước này vẫn đang bàn bạc về chi tiết của khoản vay cho Ucraina. 

Số tiền lãi của số tài sản bị phong tỏa của Nga là vào khoảng 5 tỷ đôla Mỹ mỗi năm. Ucraina sẽ mất khoảng 10 năm để chi trả hết khoản vay 50 tỷ đôla Mỹ. Vì vậy, có thể các nước G7 sẽ phải phong tỏa số tài sản này trong 10 đến 20 năm. 

Và nếu Ucraina vỡ nợ, vấn đề chia sẻ gánh nặng sẽ xuất hiện. Các bộ trưởng tài chính các nước châu Âu đang lo ngại rằng nước của họ có thể sẽ phải gánh vác gánh nặng tài chính một mình nếu liên minh quốc tế không thực hiện các cam kết của họ đối với Ucraina.

Nhiều ngân hàng châu Âu cũng đã bày tỏ lo ngại họ sẽ bị chính phủ Nga quy kết trách nhiệm và vướng vào kiện tụng tốn kém nếu họ tham gia vào việc chuyển tiền của Nga sang Ucraina. 

Phản ứng với quyết định của nhóm các nước G7, chính phủ Nga một lần nữa phản đối mạnh mẽ kế hoạch này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án quyết định nói trên của G7, gọi đó là hành động ăn cắp.

Tổng thống Nga Putin: "Ăn cắp vẫn là ăn cắp". Nguồn ảnh: Maxim Shemetov/Reuters

Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: "Dù phương Tây thực hiện tất cả các mánh khóe để tạo ra cơ sở pháp lý, ăn cắp vẫn là ăn cắp, và sẽ bị trừng phạt. Giờ đây, vậy là tất cả các nước, các công ty đều thấy rõ rằng tài sản dự trữ của họ không hề an toàn. Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân tiếp theo của sự chiếm đoạt của Mỹ và phương Tây."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng sự đáp trả của Matxcova sẽ rất đau đớn cho Liên minh Châu Âu.

Nga nói rằng bất cứ mưu toan nào nhằm chiếm đoạt tiền gốc và tiền lãi của Nga là hành động của "băng đảng cướp". Và họ sẽ tiến hành các hành động pháp lý kéo dài hàng chục năm, nhắm vào những ai liên quan. Matxcova đã nhiều lần nói rằng họ sẽ trả đũa nếu tài sản và thu nhập của họ bị chiếm đoạt.

Số phận của các tài sản bị phong tỏa sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc xung đột và các thỏa thuận hòa bình sau đó. Câu chuyện về 300 tỷ USD tài sản Nga còn lâu mới kết thúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật về cuộc đối đầu này trong các bản tin của Đài Truyền hình TPHCM, mời quý vị đón xem. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: