(HTV) - Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đề cao quan điểm chú trọng phát triển du lịch văn hóa. Riêng đối với TP.HCM thì chúng ta đang và sẽ làm gì để phát huy giá trị các di sản của thành phố trong phát triển kinh tế thời gian tới.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đề cao quan điểm chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Với TP.HCM, đây là một vấn đề thực tiễn khi Thành phố cũng xác định thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Đây cũng là hướng đi mới của du lịch TP.HCM trong những tháng cuối năm nay và kể cả năm 2025.
TP.HCM khai thác du lịch văn hóa, đón lượng du khách đạt 70%
Gần đây, UBND TP.HCM chính thức chấp thuận chủ trương triển khai thí điểm Đề án Phố đêm Chợ Lớn gắn với phát triển du lịch tại Quận 6. Trong đó, chợ Bình Tây - di sản được UBND TP.HCM công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật làm điểm nhấn. Đây cũng là một trong những di sản văn hóa mới nhất được hiện thực hóa đưa vào khai thác du lịch trong rất nhiều di sản văn hóa khác của thành phố.
Chợ Bình Tây - di sản được UBND TP.HCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật làm điểm nhấn cho Đề án Phố đêm Chợ Lớn
Theo Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch: "TP.HCM có thể nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng ngay trong đô thị với những không gian văn hóa đặc trưng của những cộng đồng sinh sống, có nhiều đóng góp cho sự phát triển cho TP.HCM ví dụ như cộng đồng người Hoa, người Chăm,... Hiện nay Viện của chúng tôi cũng đang kết nối với lại Bình Chánh và một số địa phương khác để có thể tìm hiểu thêm một số nghề truyền thống (như nghề làm nhang ở Bình Chánh), dựa vào nghề truyền thống để hướng đến câu chuyện về du lịch làng nghề. Chúng ta cũng cần có cái truyền thông để sao cho câu chuyện đúng với đối tượng khách hàng, cái trải nghiệm nó trở nên trọn vẹn nhất với người tham gia".
Nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM cần làm nổi bậc các giá trị của các cộng đồng đã đóng góp cho thành phố này, đưa họ nói lên tiếng nói của cộng đồng mình.
Kiến trúc người Hoa và một tiệm mì truyền thống của người Hoa tại Quận 5
Cùng với sự phát triển và đầu tư của ngành công nghiệp văn hóa thì chắc chắn ngành du lịch của TP.HCM sẽ là một trong những đơn vị hưởng lợi cho sự phát triển này. Trên cơ sở đó, sẽ có nhiều chương trình du lịch tại TP.HCM được hình thành dựa trên việc khai thác các giá trị văn hóa, các giá trị di sản của thành phố.
Nhà thờ Tân Định, Bưu điện TP.HCM và UBND TP.HCM là những công trình kiến trúc di sản đặc sắc của thành phố
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: "Giải marathon quốc tế sẽ được nằm trong Tuần lễ du lịch TP.HCM kéo dài 7 ngày diễn ra đầu tháng 12, rồi công bố các điểm đến hấp dẫn, những tour tuyến du lịch đường thủy mới. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với sở Văn hóa - Thể thao để tổ chức lễ hội âm nhạc HOZO. Cũng vào dịp cuối năm, TP.HCM đang tập trung phát triển mảng du lịch văn hóa trên địa bàn thành phố để khai thác các di sản. Để chúng ta có nhiều sản phẩm du lịch mới như du lịch đêm, sản phẩm tăng trải nghiệm cho du khách khi đến với TP.HCM".
Tiến sĩ Dương Đức Minh cho biết thêm việc hiện tại dòng du khách quốc tế đến các tỉnh thành phía Nam ngày càng đa dạng nhưng dịch vụ trải nghiệm vẫn còn thiếu. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp lữ hành khai thác hình thành nên những tour tuyến đặc sắc như tour du lịch đặc thù, không nơi nào có, cần chú ý đến những tour tuyến đang có như tour biệt động sài gòn,..., phải làm đặc sắc hơn. Tránh làm phong trào, chỉ tập trung lúc đầu lúc sau thì đuối sức làm nên sự hụt hẫng. Sáng tạo thêm những sản phẩm mới gắn với chuyên đề về văn hóa lịch sử của TP.HCM.
Năm 2024 Thành phố dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu đón 6 triệu du khách quốc tế
Quý IV cũng là khoảng thời gian mà du khách quốc tế thường sẽ đến Việt Nam để tránh đông và đây cũng là khoảng thời gian mà kiều bào cũng về nước, ăn tết tại Việt Nam,... Ghi nhận qua 9 tháng năm 2024 cho thấy TP.HCM đã đón lượng du khách đạt 70% yêu cầu đề ra trong năm và thực tế mục tiêu đón 6 triệu lượt khách quốc tế đến TP.HCM năm 2024 hoàn toàn có thể thực hiện được. Điều này cũng cho thấy sự tăng trưởng ổn định của ngành du lịch thành phố trong năm 2024.