Doanh thu lớn cho doanh nghiệp khi đón đầu xu hướng bán hàng mới

THANH SANG - HOÀNG TÂN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 14/12/2023, 09:00

(HTV) - Doanh nghiệp tự chủ trong xu hướng chuyển đổi số, đây là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ trong việc thay đổi dây chuyền sản xuất mà còn cả phương thức tiếp cận khách hàng.

Hiện nay, các doanh nghiệp thuộc quốc gia có công nghệ phát triển như Mỹ hay Trung Quốc, đã tận dụng thị trường mua sắm livestream, các sàn thương mại điện tử như một cách thức minh họa các đặc điểm, tính năng sản phẩm cho người tiêu dùng một cách thuyết phục hơn, phương pháp tiếp thị này đã phát triển thành một hệ sinh thái khi kết hợp giữa thương mại điện tử và truyền thông xã hội giải trí để tạo ra một xu hướng mua sắm mới, mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment) - một hình thức bán hàng được đánh giá là trực quan, tạo không khí vui vẻ hơn khi mua sắm. Khi đó, những người nổi tiếng hoặc KOL/KOC với lượt follower ấn tượng sẽ có tầm ảnh hưởng nhất định trong việc livestream bán hàng.

Doanh nghiệp chia sẻ về xu hướng bán hàng mới Shoppertainment

Nắm bắt được xu thế mới, doanh nghiệp Việt Nam cũng không bỏ lỡ cơ hội này mà bắt tay ngay vào cuộc đua bán hàng trên các nền tảng số. Nam Nung một doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm và giải pháp chăm sóc tóc bằng các loại thảo dược tự nhiên đã không lựa chọn việc hợp tác với những người nổi tiếng hay KOL/KOC có lượng follower lớn, thay vào đó doanh nghiệp đã chọn cách đào tạo đội ngũ nhân viên để livestream và các phiên live bán hàng được mở đều đặn hằng ngày, các nhân viên luân phiên thay phiên nhau, doanh nghiệp chia sẻ trong lúc cao điểm một phiên live có thể thể mang lại doanh thu 1 tỷ đồng.

Cách kiếm được 1 tỷ trong một phiên Livesteam 

Theo số liệu thống kê nghiên cứu trực tuyến được ủy quyền bởi công ty chuyển phát nhanh FedEx Express, có đến 9/10 người tiêu dùng Việt Nam cho biết đã mua hàng trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn trong 3 năm qua. Phần lớn (87%) trong số khách hàng dự đoán, hình thức này sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng chi tiêu cho mảng bán lẻ của họ trong 3 năm tới. Số người mua sắm trực tuyến tăng từ 33,6 triệu người vào năm 2017 lên 54,6 triệu người vào năm 2021. Cũng trong năm 2021, Việt Nam có hơn 58,2% người dùng internet mua sắm qua mạng hàng tuần, không thua kém nhiều so với trung bình của toàn cầu là 58,4%, số liệu cũng dự đoán giá trị mua sắm của một người cũng tăng từ 186 lên 251 đô la Mỹ sau 5 năm.

Tất cả mặt hàng đều có thể hiển thị cùng lúc trong Livestream

Với những số liệu trên cho thấy, tương lai của xu hướng mua sắm trực tuyến kết với giải trí  (Shoppertainment) đang mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và giải quyết những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Nhưng bên cạnh đó, tuy rằng ngày càng có nhiều người mua sắm trên các sàn thương mại điện tử nhưng người tiêu dùng vẫn còn chưa thật sự hài lòng với kênh mua sắm này bởi những lý do như thủ tục bảo hành, thời gian đổi trả sản phẩm và có trường hợp không thể nhận hàng do mất hàng trong lúc vận chuyển.

Các doanh nghiệp Việt phát triển trên nền tảng số

Thay vì phải tìm kiếm và vào từng trang bán hàng so sánh giá để đi đến quyết định mua hay không như trên các sàn điện tử, người tiêu dùng giờ đây có thể xem livestream giới thiệu sản phẩm của chính các doanh nghiệp làm nên sản phẩm và đặt hàng. Việc này được đánh giá là trực quan, tạo không khí vui vẻ và giúp khách hàng ít tốn thời gian hơn để quyết định mua hàng và cũng như sẽ có thêm nhiều ưu đãi tốt đến từ doanh nghiệp. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: