(HTV) - TP.HCM đang cho thấy những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn đầy thách thức do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Sự lạc quan đang lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, với những kỳ vọng về một năm 2025 khởi sắc.
Theo khảo sát mới đây từ Cục Thống kê TP.HCM về tình hình quý 1 năm 2025, có tới 33% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc hơn, trong khi 42% tin rằng sẽ duy trì được sự ổn định và 25% nghĩ rằng sẽ khó khăn hơn. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đang thể hiện sự lạc quan về triển vọng sản xuất kinh doanh, kinh tế khởi sắc.
Doanh nghiệp đang thực hiện các đơn hàng đầu năm
Trải qua giai đoạn khó khăn do khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp không chỉ duy trì hoạt động ổn định mà còn chuẩn bị cho sự phục hồi, bứt phá. Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH SX TM MEBIPHA, chia sẻ: "Sau khủng hoảng, kinh tế sẽ bật dậy và chúng tôi đã chờ đợi sự phát triển này từ nhiều năm rồi. Đầu năm 2025, chúng tôi đã có đơn hàng cho cả năm. Nếu khởi đầu tốt như vậy, chúng tôi kỳ vọng năm 2025 sẽ có rất nhiều đơn hàng xuất khẩu."
Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH SX TM MEBIPHA
Sự phục hồi của TP.HCM không chỉ đến từ nội lực của doanh nghiệp mà còn được thúc đẩy bởi những thay đổi tích cực từ phía chính quyền. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, nhận định: "Trong đầu năm 2025, các doanh nghiệp cảm thấy có một luồng gió mới, một tinh thần sẵn sàng cho năm 2025 phát triển, kể cả trong vấn đề xuất khẩu lẫn thị trường nội địa. Những khởi sắc này bắt nguồn từ sự thay đổi tích cực từ phía các cơ quan nhà nước, tạo ra động lực và niềm tin cho doanh nghiệp phát triển bền vững."
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn
Cùng với những nỗ lực của doanh nghiệp, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%, với GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD. Để đạt được điều này, TP.HCM tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững và phát triển các ngành then chốt như công nghiệp bán dẫn, AI, hạ tầng số để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững.
Ông Phạm Phú Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, nhấn mạnh: "Chúng ta có thể thấy những công nghệ mới như A.I., sản xuất thông minh đang tiến hành rất mạnh mẽ. Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 được hình thành để ứng dụng những thành tựu này cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ có đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu." Ông cũng khẳng định sự chuyển dịch lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM đang trở thành điểm đến quan trọng.
Máy móc tự động, công nghệ thông minh được ứng dụng vào sản xuất
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, chỉ ra 5 động lực mang thể chế lớn đang tạo đà cho sự phát triển của TP.HCM, bao gồm quy hoạch kinh tế xã hội, trung tâm tài chính, phát triển hệ thống metro đường sắt đô thị, dự án vành đai 4 và đề xuất về chính quyền đô thị đặc biệt cùng với cơ chế cho vùng Đông Nam bộ. Thành phố đã chuẩn bị 5 động lực này đã nhiều năm. Đến thời điểm này, chúng ta hái xuống từng việc từng việc để thúc cho tăng trưởng, không chỉ cho năm nay mà còn cho những năm kế tiếp.
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM
Theo các chuyên gia, kinh tế TP.HCM đã đến thời điểm hội tụ các yếu tố cần và đủ để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình cùng cả nước, sẵn sàng đón nhận những cơ hội phát triển mới. Với sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ chính quyền và những động lực thể chế mạnh mẽ, TP.HCM đang hướng đến một tương lai kinh tế tươi sáng và bền vững.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9