Doanh nghiệp cần cẩn trọng khi xuất khẩu sang Tây Ban Nha

17/1/2024, 11:10

Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha vừa đưa ra cảnh báo, doanh nghiệp trong nước phải cẩn trọng khi ký kết hợp đồng mua bán với doanh nghiệp nước sở tại, tránh những rủi ro.

Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha đã nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hạt điều và hạt tiêu trong nước về Công ty Isasa Siglo XXI, S.L. tại Tây Ban Nha có người đại diện là ông Manuel Gil hoặc bà Anniz.

Doanh nghiệp Isasa Siglo XXI đã viện lý do hàng của doanh nghiệp Việt Nam không bảo đảm chất lượng hàng hóa tại cảng đến hoặc công ty bị lâm vào tình trạng thua lỗ do giá thị trường sở tại sụt giảm nên đã không thực hiện đúng theo hợp đồng mua bán. Cụ thể Công ty Isasa Siglo XXI đã chậm trễ trong thanh toán nốt tiền hàng, gây khó khăn, tổn hại thời gian, chi phí lưu kho cho doanh nghiệp trong nước, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải lấy lại hàng về. 

May hàng xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha tại Công ty may Hồ Gươm. Nguồn ảnh: TTXVN

Để tránh rủi ro trong xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cảnh báo doanh nghiệp trong nước cần lưu ý khi ký kết thực hợp đồng mua bán với công ty này. Đồng thời, đề xuất doanh nghiệp trong nước tăng cường phối hợp với Thương vụ trong xác minh doanh nghiệp sở tại trước khi đi đến ký kết thực hợp đồng mua bán.

Hiện tại, Tây Ban Nha là thị trường tiêu thụ lớn cho tất cả các ngành hàng tiêu dùng xuất khẩu của Việt Nam vì quy mô dân số đông trên 47 triệu người và thu nhập bình quân khá cao (khoảng 36,7 ngàn đô/năm). Hơn nữa, đây còn là thị trường ngách giàu tiềm năng cho tiêu thụ nội địa trực tiếp các sản phẩm nông, thủy sản và rau quả nhiệt đới của Việt Nam, nhất là sản phẩm trái vụ và sản phẩm thô là đầu vào phù hợp cho nền công nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu rất phát triển tại Tây Ban Nha.

Doanh nghiệp cần cẩn trọng khi xuất khẩu sang Tây Ban Nha

Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho hay: Tây Ban Nha là thị trường hàng năm thu hút bình quân trên 80 triệu lượt khách quốc tế với công nghiệp dịch vụ du lịch, cơ sở nghỉ dưỡng và ẩm thực hàng đầu châu Âu... Vì vậy, đây là cơ hội thị trường cho các ngành hàng du lịch (bao gồm túi xách, vali, ví, mũ, ô, dù; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây, tre, cói, thảm), dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thực phẩm nguyên liệu, cà phê và sản phẩm gia vị của Việt Nam.

Nhằm thúc đẩy hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Tây Ban Nha, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Mặt khác, doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, yêu cầu của thị trường và thường xuyên cập nhật quy định, chính sách mới của nước sở tại để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Nguồn: Tin Tức

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: