Điều chỉnh sinh thái: Tiền Giang tìm giải pháp cho vấn đề thừa mặn và thiếu ngọt

LY LY - NGUYỄN QUỐC - NGỌC THẠCH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 26/4/2024, 14:00

(HTV) - Tại các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp dẫn đến người dân thiếu nguồn nước ngọt sinh hoạt cũng như sản xuất.

Tình trạng đất bị nhiễm mặn nghiêm trọng

Đất khô cằn, nứt nẻ, hoa màu thì cháy khô, xám lá, đây là những gì đã và đang diễn ra tại tỉnh Tiền Giang nói riêng cũng như các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung. Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng đến nay, tình trạng thừa mặn thiếu ngọt vẫn đang từng ngày đè nặng lên đời sống người dân nơi đây. Lúc này, cả người dân và chính quyền đều đang dốc sức cầm cự trông chờ cơn mưa đầu mùa.

Tiền Giang: Hạn mặn hoành hành, mùa màng thất thu

Nước mặn tràn vào, ngâm lâu khiến cây thối rễ

Ông Võ Văn Triệu - Ấp Bãi Bùng, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: ''Do nước mặn tràn vô ngâm lâu khiến cây thối rễ. Mọi năm hạn có chết thì cùng lắm 100 mét vuông, nay thì chết hết 2 phần, phần còn lại để làm giống không biết có đủ không nữa''.

Cây sả là cây kinh tế chủ lực tại huyện cù lao Tân Phú Đông, giờ lại trở thành nỗi lo cho người dân. Hợp tác xã này có quy mô gần 40 ha trồng sả. Mùa hạn này, tình trạng cây chết khô, cháy lá ngày một lan rộng, chiếm hơn 30% toàn diện tích.

Ông Phan Thanh Hiệu - Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết: ''Hiện nay toàn xã có hơn 2.000 ha đất trồng sả, đây là nguồn thu kinh tế chính của người dân nhưng hạn mặn như thế này đã gây thiệt hại lớn về kinh tế''.

Nước ngập mặn vượt ngưỡng khiến nghề nuôi tôm nước mặn trở nên khó khăn

Nóng gay gắt, mặn vượt ngưỡng khiến cho nghề nuôi tôm nước mặn tại khu vực này cũng không chống chọi lại được. Tại ấp Bãi Bằng, xã Phú Thạnh, gần 50 ha nuôi tôm nay xuất hiện thêm nhiều hồ trơ đáy. 

Ông Đỗ Văn Hải - Trưởng ấp Bãi Bùng, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết: ''Nắng nóng gây nhiều bệnh cho tôm như là thận, nấm, mặn quá tôm cũng không chịu được nữa nên nhiều hộ ở đây bỏ không nuôi nữa''.

Chính quyền địa phương hỗ trợ kiểm tra độ mặn của nước và đưa ra giải pháp kịp thời cho người dân

Dù điều kiện thời tiết còn gặp nhiều khó khăn, nhưng địa phương vẫn thường xuyên quan trắc độ mặn của nước, thông báo kịp thời cho người dân để lên phương án nuôi, trồng phù hợp. Chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: