(HTV) - Ghi nhận tại nhiều địa phương ĐBSCL, giá lúa những ngày cuối tháng 7 vừa qua đã cao hơn khoảng 20% so với vụ hè thu trước. Thị trường mua bán sôi động, thương lái hỏi mua nhiều, đặc biệt nhóm lúa gạo thơm hút hàng.
Đảm bảo cung cầu gạo trước nhu cầu xuất khẩu tăng
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Chúng tôi thấy trước thông tin của thị trường thế giới, thời gian này giá gạo, giá lúa của chúng ta có tăng lên. Đối với những hợp đồng mới thì đây là lợi thế để doanh nghiệp đàm phán thương lượng cũng như thương mại trên thế giới’.
Việc giá lúa gạo sôi động từng ngày còn đem lại lợi ích cho những doanh nghiệp đang có dự trữ tồn kho. Tuy nhiên cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi nhiều đơn vị đã có đơn hàng đã ký kết đến năm sau.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Những hợp đồng chúng ta vội vàng ký khi giá gạo trong nước tăng cao, mà giá hợp đồng thấp, thì tổn thất cho doanh nghiệp. Hơn nữa, những doanh nghiệp có hợp đồng xuất sang Campuchia hay Indonesia, những quốc gia đó mua giá thấp, thì không cẩn thận ký HĐ vội vàng, tránh thiệt hại rất lớn”.
Ông Nguyễn Lưu Tường - Tổng Giám đốc CTY TNHH Gạo Ngon Thất, TP.HCM chia sẻ: “Nguồn cung bị ngắt, nguồn cầu tăng, ảnh hưởng biến động giá, phải lợi dụng chỗ này, trong điều kiện không cho phép mới tăng, nếu không thì ổn định giá cho người ta, khách hàng cũng giống như nhau, giá tăng mà mình không tăng, chất lượng cao, tất nhiên gạo của mình tương lai họ sẽ biết nhiều hơn và mua được nhiều hơn”.
Hiện Bộ Công Thương cho biết đang bám sát tình hình thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp cân đối cung cầu. Tuy nhiên, đề nghị các doanh nghiệp đầu ngành phải giữ vai trò dẫn dắt để đảm bảo cân đối cung và cầu tiêu dùng nội địa, tránh giá cả tăng đột biến.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải điều tiết được lượng gạo tiêu thụ trong nước cùng doanh nghiệp tiêu thụ trong nước. Hai điều này cần được tiến hành song song với nhau, vì xuất khẩu gạo nhưng cũng phải giữ được an ninh lương thực cho Việt Nam. Phải đảm bảo lượng tiêu thụ hàng ngày, các doanh nghiệp phải điều tiết từ lúc xuống giống lúa đến xuất khẩu. Sự cân đối này ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu gạo”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chính sách tạm ngừng xuất khẩu của các nước chỉ là tạm thời. Chưa kể, dù là cường quốc xuất khẩu gạo, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khoảng 1 triệu tấn gạo, phần lớn là từ Ấn Độ để phục vụ chế biến trong nước. Vì vậy, chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam cần hết sức thận trọng, lợi "gần" nhưng vẫn phải lo "xa". Ngành nông nghiệp khuyến cáo, doanh nghiệp phải nghiêm túc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo đã xuất của 6 tháng đầu năm, để đảm bảo không xảy ra lạm phát giá gạo cũng như lương thực trong nước.
Xuất khẩu gạo tại Việt Nam
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Lúc thuận lợi cũng như khó khăn, chúng ta phải bền bỉ, và vững vàng, vì chúng ta có 85% gạo chất lượng cao. Lúc khó khăn thuận lợi, chúng ta vẫn phải dự trữ, xúc tiến thị trường, chứ không phải khi thị trường thuận lợi thì chủ quan”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Bộ Công thương cũng vừa yêu cầu các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo trước ngày 3/8 tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Dự kiến Bộ sẽ triển khai cuộc họp về điều hành xuất khẩu gạo ngay trong tuần này.
Bộ Công thương cũng vừa yêu cầu các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo trước ngày 3/8 tình hình lượng thóc, gạo tồn kho
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9