Công bố kế hoạch hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long

VŨ TUYÊN - VĨNH TIẾN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 21/7/2023, 21:44

(HTV) - Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM.

Công bố kế hoạch hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Điều này mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển không chỉ của riêng thành phố mà còn cho cả hoạt động hợp tác giữa TP.HCM và các vùng.

Nhằm triển khai hiệu quả nội dung này, chiều nay, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân TP.HCM phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Hội nghị công bố kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển Kinh tế - Xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 và giai đoạn 2024  2025.

Trong kế hoạch, thỏa thuận hợp tác năm 2024 - 2025 sẽ được tiến hành ở 5 lĩnh vực, gồm: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; Hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; Giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động.

Các địa phương cho rằng, việc hợp tác này sẽ tạo cầu nối để các bên liên kết, thúc đẩy hợp tác công tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên.

Từ đây, sự phát triển Kinh tế - Xã hội của từng địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được phát huy hiệu quả hơn.

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: "Làn sóng lao động Đồng bằng sông Cửu Long chuyển dịch lên TPHCM. Lực lượng lao động phổ thông lên TP.HCM sẽ bị áp lực. Định hướng tới, loại hình thâm dụng lao động nhiều thì nên khép dần lại để chuyển dịch dần lại về Đồng bằng sông Cửu Long, vì cảng biển, đường sắt đang dần định hình. Thành phố có thể thành khu điều phối khu công nghiệp, còn khu công nghiệp đặt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, lúc đó lao động không phải di chuyển lên thành phố, sẽ giảm bớt áp lực cho khu vực này".

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Ông Huỳnh Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu: "Việc ký kết thoả thuận hợp tác có ý nghĩa quan trọng mở ra cơ hội thu hút đầu tư. Có thể hợp tác các điểm du lịch với TP.HCM. Kết nối cung cầu các sản phẩm, Bạc Liêu sẽ phối hợp với TP.HCM và các tỉnh để triển khai các hoạt động trên".

Ông Huỳnh Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

Trong 5 nhóm vấn đề được nêu ra, việc quy hoạch vùng để phát triển hạ tầng giao thông được các địa phương đặc biệt quan tâm. 

Ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho biết: "Phải đồng loạt chuẩn bị dự án ODA cho hoàn chỉnh. Nếu làm trước làm sau thì dễ thất bại. Không kết nối được.Thẳng thắn là phải giúp nhau, cùng làm cùng hưởng. Mong cái này được hiện thực hoá càng sớm càng tốt. Hạ tầng không thuần tuý là hạ tầng giao thông, mà còn là hành lang kinh tế".

Ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ cho biết, phát huy vai trò trung tâm động lực của vùng ĐBSCL, Cần Thơ đang tập trung tăng cường kết nối giao thông về cảng, logistics, tập trung vào thế mạnh của mình. Ngoài 900ha phát triển khu công nghiệp VSIP, Cần Thơ đang quy hoạch vùng hơn 3000 ha phát triển công nghiệp công nghệ cao 

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho rằng biết, hội nghị sẽ thống nhất phối hợp trên cơ sở dựa vào Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vì thành phố Cần Thơ là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng cả TP.HCM và ĐBSCL phải cùng xây dựng bộ hồ sơ kêu gọi đầu tư đầy đủ, tương đồng, để nhà đầu tư có thông tin cơ bản, quyết định. Sự hợp tác này phải dự trên thống nhất nhận thức rằng Cần Thơ có vai trò trung tâm, đầu tàu của vùng ĐBSCL để tránh tình trạng manh mún. Ngoài tổ điều phối gồm thường trực UBND TP.HCM và các tỉnh thành, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị lập thêm các tổ chuyên ngành gồm lãnh đạo cấp sở ngành để thúc đẩy hợp tác. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng kêu gọi các doanh nghiệp TP.HCM đầu tư vào các tỉnh thành ĐBSCL và doanh nghiệp ĐBSCL đầu tư vào TP.HCM. TP.HCM sẽ có cơ chế mời gọi các nhà đầu tư cho những lĩnh vực tiềm năng của cả TP.HCM và ĐBSCL 

 

Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM 

Trước đó trong buổi sáng, bên lề Hội nghị, Sở Y tế -  Sở Công Thương - Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp với các sở ngành địa phương các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Hội nghị ký kết Thỏa thuận hợp tác ngành y tế của TP.HCM và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2023 - 2025; Hội nghị kết nối giao thương giữa TP.HCM với TP. Cần Thơ; chương trình tọa đàm về Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: