Chuyển đổi số: TP.HCM đột phá trong vai trò dẫn dắt

TRẦN HÙNG - NHẬT MINH - MINH CHƯƠNG - MINH KHÔI - MINH KHOA - HOÀNG LINH - HOÀNG TÂN - MẠNH TRÌNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 22/7/2023, 22:00

(HTV) - Từ tháng 7/2023, Liên Hiệp Quốc sẽ tiến hành đánh giá chỉ số về chuyển đổi số của TP.HCM, và sẽ lấy kết quả này đại diện cho cả Việt Nam.

Đây là thông tin đáng chú ý đã được Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đưa ra tại buổi họp triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội TP.HCM 6 tháng cuối năm 2023. Hiện Liên Hiệp Quốc đang làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để sớm có kế hoạch triển khai các nội dung liên quan.

Việc một thành phố đầu tàu - TP.HCM được lựa chọn để đánh giá về chuyển đổi số của cả nước là hoàn toàn xứng đáng. Bởi đây luôn là trung tâm của đổi mới sáng tạo, với những bước tiến đã được thể hiện rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực.

Cảng Tân Cảng - Cát Lái tại TP. Thủ Đức, TP.HCM

Cảng Tân Cảng - Cát Lái - một trong những cảng container lớn và bận rộn nhất thế giới - đang hoạt động liên tục, thông suốt bất kể ngày đêm. Tất cả là nhờ chuyển đổi số hiệu quả, điển hình là đăng ký phương tiện thủy nội địa trên phần mềm Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử. Từ khi áp dụng, thời gian làm thủ tục biên phòng cho một chuyến tàu giảm xuống 6 lần, chỉ còn khoảng 10 - 15 phút. Không chỉ có tàu hàng, mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng hưởng lợi từ việc ứng dụng công nghệ.

“Hiện nay hải quan đang làm thủ tục theo hình thức điện tử, cho nên chuyện phân luồng là nằm trong tất cả những tiêu chí do cơ quan hải quan xây dựng và đưa vào chương trình phần mềm. Các doanh nghiệp tham gia cam kết tuân thủ thì sẽ được một số ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi và giảm tỷ lệ kiểm tra”, ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết.

Tiếp tục triển khai hiệu quả đề án chuyển đổi số cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các sở ngành, quận huyện trên địa bàn TP.HCM trong 6 tháng cuối năm. Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến mua sắm công, nhưng đây là thời điểm Thành phố cần sự đột phá hơn bao giờ hết.

Không chỉ ở khu vực công, mà cộng đồng doanh nghiệp cũng là thành phần có đóng góp quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của TP.HCM. Thậm chí các yếu tố đổi mới sáng tạo còn được ví như "gen trội" của doanh nghiệp thành phố. Tính trội này tạo nên một thành phố năng động? Hay chính thành phố năng động này tạo động lực cho sức sáng tạo của doanh nghiệp? Đáp án có lẽ là cả hai.

Ứng dụng về giao thông công cộng tại TP.HCM

Busmap - một ứng dụng về giao thông công cộng - hiện đã phát triển thành Phenikaa MaaS, từ lúc ra mắt đến nay đã đạt đến con số 3 triệu người dùng. Ông Lê Yên Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Phenikaa MaaS thừa nhận, nếu không khởi nghiệp ở một đô thị năng động nhất cả nước với nhu cầu cao về đi lại, du lịch như TP.HCM, thì giải pháp của doanh nghiệp dù tốt đến mấy cũng không thể có được thành quả hôm nay.

Theo báo cáo vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, TP.HCM đứng thứ 2 cả nước về chỉ số chuyển đổi số trong năm 2022 với tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GRDP ước đạt 18,66%. Còn ở tầm quốc gia, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số sẽ đạt 20% GDP.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đánh giá và công bố những con số này đáng lẽ phải là Tổng cục Thống kê. Đến nay vẫn chưa có các tiêu chí đánh giá thống nhất đối với lĩnh vực này.

Các mô hình chuyển đổi số đáng tham khảo

Khi các bộ, ngành liên quan tiến đến xây dựng các tiêu chí cụ thể về chuyển đổi số, thì những nội dung có giá trị tham khảo nhất chính là cách thức mà Liên Hiệp Quốc đã và đang chuẩn bị tiến hành, cũng như những mô hình chuyển đổi số thành công trên thế giới.

Nhìn rộng ra các nước trong khu vực, Singapore có thể được xem là một ví dụ điển hình. Theo bảng xếp hạng chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc (EGDI) năm 2022, quốc gia Đông Nam Á này xếp thứ 12 trong 193 thành viên của Liên Hiệp Quốc, xếp trên Việt Nam 74 bậc, và đều thuộc nhóm các nước có EGDI ở mức cao, nằm trên mức trung bình của thế giới.

Singapore đặt ra tầm nhìn trở thành một “quốc gia thông minh” - tận dụng công nghệ để thay đổi cách người dân và doanh nghiệp sinh hoạt và làm việc. Để làm được điều đó, Singapore đã thiết lập 3 trụ cột chính bao gồm: Xã hội số, kinh tế số và chính phủ số.

Ứng dụng "Life SG" - Cuộc sống Singapore tích hợp hơn 40 dịch vụ tiện ích 

Singapore đặt ra tầm nhìn trở thành một “quốc gia thông minh”

Những kinh nghiệm từ các thành phố, các quốc gia là rất hữu ích. Và TP.HCM hoàn toàn có dư địa để đột phá hơn nữa trong chuyển đổi số. Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế, điểm nghẽn hiện nay của chúng ta chính là về thể chế, nhận thức và nguồn lực. Khi có những cơ chế, chính sách đặc thù để cởi trói cho phát triển, TP.HCM chắc chắn sẽ có cơ hội vươn xa.

GS.TS. Trần Thọ Đạt cho biết: “Theo ước tính của chúng tôi, kinh tế số lõi của TP.HCM vẫn còn ở mức độ khiêm tốn mặc dù cao hơn mức độ trung bình của cả nước. Do vậy, một trong những định hướng phát triển đối với Thành phố để đẩy mạnh phát triển kinh tế số là cần phải có những chiến lược thu hút đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài, như các tập đoàn lớn trong việc đầu tư phát triển các dự án về công nghệ thông tin và truyền thông. Về xuất khẩu phần mềm TP.HCM vươn ra thế giới cũng là một dư địa rất lớn. Đấy chính là tiềm năng phát triển của TP.HCM trong thời gian qua, và đặc biệt là ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế số đối với các ngành, ví dụ như du lịch, dịch vụ, tài chính - ngân hàng và nông nghiệp cũng là những lĩnh vực tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới”. 

Với Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, GS.TS. Trần Thọ Đạt kỳ vọng sẽ có nhiều thể chế để cởi trói cho phát triển kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số tại TP.HCM.

“Ví dụ như các dự án phát triển phần cứng, phần mềm, rồi các dịch vụ, thậm chí các dịch vụ về game, đấy là những dịch vụ ở những thành phố lớn rất phát triển, và Việt Nam có tiềm năng, không những phát triển ở đầu tàu như TP.HCM, mà có thể xuất khẩu ra nước ngoài”, GS.TS. Trần Thọ Đạt chia sẻ.

Về mặt nguồn lực, TP.HCM sẽ có nguồn lực công tốt hơn để đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng số và nền tảng số

“Có rất nhiều mô hình ở khu vực, ví dụ như thành phố phát triển xanh, phát triển số lồng ghép với nhau của Singapore, của Trung Quốc, đấy là những kinh nghiệm rất tốt có thể cho TP.HCM tham khảo.

Còn về các địa phương trong nước, thì những địa phương nào có mô hình phát triển kinh tế số lõi, tức là kinh tế công nghệ thông tin và truyền thông trong thời gian qua và cả hiện nay có tỷ trọng cao hơn TP.HCM, đấy là những địa điểm mà TP.HCM có thể tham khảo trong việc thu hút các tập đoàn lớn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông.

Tiếp đến là với cơ chế này, sự quyết tâm của lãnh đạo, sự đồng hành của người dân sẽ tạo ra xung lực mới để kinh tế số cũng như chuyển đổi số bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới đối với TP.HCM”, GS.TS. Trần Thọ Đạt khẳng định.

TP.HCM được đại diện cho cả nước chấm điểm về chuyển đổi số là sự khẳng định đối với những thành quả trong quá khứ.

Duy trì hiệu quả của chính quyền số, "giữ lửa" đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là sự trân trọng từng thành quả của hiện tại. 

Thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù là kỳ vọng về những thành quả đột phá trong tương lai.

Vai trò đầu tàu và tính đại diện của TP.HCM không phải ngẫu nhiên, mà hoàn toàn có cơ sở. Khi tất cả cùng chung tay, chắc chắn sẽ hái được trái ngọt.

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: