(HTV) - Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế, sáng 25/9 cũng diễn ra 03 phiên thảo luận song song, tập trung vào chủ đề chuyển đổi công nghiệp tại TP.HCM.
Những cơ hội, thách thức và hướng đi đã được bàn luận bởi các chuyên gia quốc tế cũng như doanh nghiệp và Chính quyền thành phố. Chia sẻ tại phiên thảo luận về vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng 97% doanh nghiệp tại TP.HCM là vừa và nhỏ. Do đó, việc chuyển đổi công nghiệp sẽ là một thách thức lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển đổi công nghiệp sẽ là một thách thức lớn
Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám Đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết, qua buổi thảo luận này thì các doanh nghiệp cũng hiểu rõ các tiêu chí và tiêu chuẩn cần thiết cho quá trình phát triển hướng đến một doanh nghiệp xanh, phát triển bền vững và ứng dụng các công nghệ AI cho đến công nghệ 4.0 vào sản xuất. Doanh nghiệp sẽ phải xem xét lại quá trình phát triển và hoàn chỉnh lại dây chuyền để đáp ứng vấn đề này.
Tại phiên thảo luận chủ đề về các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp, các chuyên gia nhận định việc định hướng đúng ngành, đầu tư về hạ tầng các khu công nghiệp, thúc đẩy sự hợp tác đa chiều giữa các bên liên quan với những chính sách cụ thể mới mang lại hiệu quả bền vững.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á, Đại học Kinh Tế TP.HCM cho rằng, hướng đến chuyển đổi công nghiệp thì cần tạo ra hệ sinh thái để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chuyển đổi công nghệ theo hướng số hóa, ít thâm dụng lao động.
Chuyển đổi công nghiệp - động lực mới cho sự phát triển của TP.HCM
Theo ông Trần Thanh Hải - Chuyên gia Kinh tế cho biết, vì có một số ngành nghề có phát thải rất nhiều thì việc ứng dụng công nghệ và đầu tư tài chính để sử dụng và đồng thời vượt qua được các thách thức về tài chính, về gìn giữ khách hàng, về nguồn nhân lực là một điều mà các doanh nghiệp khi ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn ở trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM cần đặc biệt hết sức quan tâm.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, để chuyển đổi công nghiệp theo hướng hội thảo đề cập thì TP.HCM làm nhiều việc để kêu gọi đầu tư nước ngoài. Thành phố sẽ dành quỹ đất phù hợp, và kết nối viện trường và cơ quan quản lý để thực hiện quá trình chuyển đổi này.
Thành phố sẽ dành quỹ đất phù hợp, và kết nối viện trường và cơ quan quản lý để thực hiện quá trình chuyển đổi
Tại phiên thảo luận về vai trò của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 C4IR tại TP.HCM, các chuyên gia đánh giá việc thành lập trung tâm C4IR tại TP.HCM sẽ góp phần hiện thực hóa khát khao xây dựng một thành phố dẫn dắt đón đầu các xu hướng công nghệ, phát triển đột phá, giảm thiểu chi phí và phát thải.
Ông Phạm Phú Trường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại Học Quốc Gia TP.HCM nhấn mạnh, với những doanh nghiệp dẫn dắt muốn lan tỏa công nghệ, giải pháp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 thì doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ hưởng lợi đầu tiên. Mạng lưới các chuyên gia toàn cầu sẽ có những kiến thức, cập nhật mới, đánh giá công nghệ nào phù hợp với doanh nghiệp từ đó có lộ trình của thế giới mà phù hợp.
Các chuyên gia đánh giá việc thành lập trung tâm C4IR tại TP.HCM sẽ góp phần xây dựng một thành phố đón đầu các xu hướng công nghệ
Theo GS.TS Lê Văn Cảnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Nghệ TP.HCM, mục tiêu ngắn hạn là phải sớm có cơ chế đặc thù dành cho công nghiệp 4.0 và có các hoạt động ban đầu kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Giữa bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đây chính là thời điểm bước ngoặt để TP.HCM thực hiện chuyển đổi công nghiệp. Những ngành công nghiệp truyền thống cần có con đường mới dựa trên nền tảng công nghệ cao để nâng cao giá trị, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Công nghệ mới sẽ tạo nên nguồn động lực mới để kinh tế thành phố cất cánh, sớm nâng tỷ trọng ngành công nghiệp công nghệ cao lên 40% tổng GRDP của thành phố vào năm 2030.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9