Chống hàng giả trên môi trường số: thách thức ngày càng lớn

HỒNG DIỄM - KHÁNH TOÀN - NGỌC THẠCH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 2/12/2024, 15:55

(HTV) - Bình quân mỗi năm, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng trên 20%. Và cũng là thị trường béo bở để các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

9 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 2.014 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ có dấu hiệu vi phạm hình sự và xử phạt trên 35 tỷ đồng giá trị hàng hóa vi phạm. Trên môi trường số, tình trạng làm giả, bán hàng giả phổ biến hơn, nhanh hơn. Thách thức chống hàng giả cũng lớn hơn so với trước. 

Hơn 30 ngàn sản phẩm Nón sơn bị làm giả trị giá 38 tỷ đồng bị thu giữ

Đấu tranh với hàng giả trên môi trường số trở nên khó khăn hơn và thiệt hại cũng nặng nề hơn

Hơn 30 ngàn sản phẩm Nón sơn bị làm giả trị giá 38 tỷ đồng bị thu giữ - con số cho thấy mức độ nghiêm trọng của hàng giả đối với doanh nghiệp. Dù hàng năm phối hợp với cơ quan chức năng triệt phá hàng trăm vụ sản xuất, kinh doanh giả nhái thương hiệu, tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết việc đấu tranh với hàng giả trên môi trường số khó khăn hơn và thiệt hại cũng nặng nề hơn. 

Phân biệt giữa Nón Sơn hàng giả và hàng thật 

Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám Đốc Điều hành Công ty TNHH Nón Sơn nhận định rằng vấn nạn hàng giả ngày càng tinh vi khi các đối tượng lợi dụng hình ảnh và thông tin của công ty để lừa đảo trên các nền tảng thương mại điện tử. Việc truy tìm và xử lý các hành vi này vô cùng khó khăn, tốn kém thời gian và công sức. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của công ty.

Thách thức chống hàng giả tràn lan trên môi trường số

Nhận xét về các ngành hàng bị làm giả nhiều nhất, ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) cho rằng đó là các ngành hàng: thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ thực phẩm, ngành hàng tiêu dùng - sữa, mỹ phẩm - dược phẩm. Người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa có ý thức phân loại được đâu hàng hàng thật đâu là hàng giả và vẫn ham rẻ để mua, thấy chương trình khuyến mãi là mua. Nếu từ đầu không xử lý được thông tin, mua thì vô tình tiếp tay cho đối tác bán hàng giả. 

Theo các chuyên gia, so với trước, tốc độ tiêu thụ hàng giả hiện nay rất nhanh, nhất là khi người có sức ảnh hưởng (KOL, KOC) mỗi đợt phát trực tuyến (livestream) bán được hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu đơn hàng. Tuy nhiên, đôi khi chính các chủ kênh không kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng: “Song song với sửa đổi luật sở hữu trí tuệ năm 2022, chúng tôi cũng đã sửa đổi nghị định, thông tư cụ thể để hướng dẫn. Kể cả trong trường hợp hành vi xác định quyền: ngoài lãnh thổ Việt Nam, hướng tới người tiêu dùng Việt Nam trên môi trường số cũng bị xử lý. Song song với đó một loạt nghị định thông tư hướng đến xử lý các tên miền xâm phạm quyền, trang TMĐT có hành vi bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như thông tin, cảnh báo, loại trừ hoặc bị buộc phải đổi tên miền".

"Đối với công tác chống hàng giả, hàng nhái phải có sự kết hợp giữa các nhà: nhà nước, nhà sản xuất, nhà dân (người tiêu dùng). Chúng ta phải sử dụng công nghệ. Đặc biệt, Nhà sản xuất bảo vệ mình bằng công nghệ tiên tiến. Về truy xuất nguồn gốc mình dùng công nghệ blockchain. Chính phủ đã ra chiến lược blockchain Việt Nam - đây là một quyết định đúng thời điểm để đưa công nghệ blockchain vào lĩnh vực chống hàng giả vì đặc tính của công nghệ blockchain là minh bạch và khó thay đổi thông tin trên đấy", Tiến sĩ Trần Quý - Viện Trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam nhấn mạnh. 

Ứng dụng công nghệ số để chống hàng giả

Mỗi người tiêu dùng cần "Tự bảo vệ mình" trước tình trạng hàng giả tràn lan trên môi trường số

"Tự bảo vệ mình" - lời khuyên không chỉ đối với nhà sản xuất, mà còn với mỗi người tiêu dùng. Bởi, suy cho cùng, việc mua hàng giả, hàng nhái dù vô tình hay chủ đích cũng đều mang đến những hệ lụy không mong muốn, thậm chí là hành động tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: