Cảnh giác cửa hàng giả mạo trên nền tảng trực tuyến

HỒNG DIỄM - NGỌC QUÍ - THIỆN TOÀN - ANH DUY // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 5/3/2024, 13:56

(HTV) - Sự phát triển, bùng nổ của mua sắm trực tuyến tạo ra nhiều sự thuận lợi cho người tiêu dùng. Song một thực tế phải thừa nhận, môi trường càng hấp dẫn thì càng thu hút, cả với những người kinh doanh chân chính lẫn không ít đối tượng lừa đảo.

Hầu như mọi mặt hàng, mọi cửa hàng đều có thể bị giả mạo trên không gian mạng, từ hàng tiêu dùng thiết yếu cho đến thiết bị điện tử, mỹ phẩm, thời trang..., đặc biệt vào các dịp lễ, khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao.  Chiêu trò lừa đảo đa dạng, tinh vi đến mức không chỉ người mua lần đầu mà người tiêu dùng có kinh nghiệm, có tìm hiểu kỹ vẫn có nguy cơ bị "sập bẫy". 

Chị Vy Quỳnh ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM

"Nếu mình không phải mua trong Mall trên các sàn (Mall: những shop sở hữu thương hiệu hoặc được ủy quyền phân phối bởi các thương hiệu chính hãng) thì mình nên coi phần đánh giá nhiều hơn chứ đừng chú trọng lượt mua quá nhiều vì nhiều khi lượt mua đó là giả, chưa chắc là thiệt", chị Vy Quỳnh chia sẻ. 

Lo lắng của chị Vy Quỳnh hoàn toàn có cơ sở, khi đó cũng chính là trường hợp xảy ra đối với chị Như Phúc cách đây ít ngày. Là người có kinh nghiệm mua sắm trực tuyến, thận trọng tìm hiểu nhiều ngày, song bản thân chị lại tá hỏa khi rơi vào tình huống chưa lường trước được.

Chị Trần Như Phúc ngụ tại TP. Thủ Đức, TP.HCM

"Tôi là người hay nghe tin tức về các vụ lừa đảo trên mạng nên mình xem rất kỹ rồi. Tôi lên Facebook có tên của một người khá nổi tiếng, sau đó có đường dẫn qua trang mua hàng. Tôi có để ý kỹ phần đánh giá khá cao là 4,9/5, cảm thấy uy tín có thể mua được nên tôi đã đặt hàng. Đặt hàng xong, tôi có nhắn tin cho tài khoản tick xanh (tài khoản chính chủ), thì quản trị trang cho biết trang tôi mua hàng không phải là trang của người nổi tiếng ấy. Lúc đó mình mới biết mình mua hàng ở trang giả mạo”, chị Trần Như Phúc chia sẻ. 

Nếu trở thành nạn nhân mua hàng giả mạo, người tiêu dùng có thể bị thiệt hại vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng, tuy nhiên, với doanh nghiệp thì thiệt hại vô cùng nặng nề. Đại diện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh hoa trên nền tảng công nghệ ước tính, nếu đối tượng bỏ ra 1 đồng để thực hiện chiêu trò lừa đảo, thì doanh nghiệp chính thống phải bỏ ra tới 10 đồng để khắc phục hậu quả.

Ông Phạm Hoàng Thái Dương - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Color Life (Hoa yêu thương) 

Công ty Cổ phần Color Life (Hoa yêu thương)

"Trong 1 năm vừa qua, chúng tôi thiệt hại hơn 100 tỷ đồng, vừa mất doanh thu, vừa trả cho bên thứ ba, vừa trả quảng cáo. Chúng tôi đã đóng nhiều cửa hàng do doanh số giảm rất nhiều. Sau khi kiểm tra lại, chúng tôi thấy gần 30% khách hàng của mình bị lừa đảo. Cửa hàng của chúng tôi là Hoa yêu thương thì họ sẽ đặt tên điện hoa yêu thương, shop hoa yêu thương, hoa thương yêu, hoa yêu thương 1, hoa yêu thương 2", ông Phạm Hoàng Thái Dương - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Color Life (Hoa yêu thương) bày tỏ. 

Tạo tên na ná cửa hàng chính chủ nhằm gây ra sự nhầm lẫn chỉ là một trong rất nhiều chiêu trò lừa gạt người tiêu dùng hiện nay. Bủa vây người mua hàng thời 4.0 còn rất nhiều cái bẫy khác nếu chính bản thân họ không đủ tỉnh táo. 

Các dấu hiệu nhận biết cửa hàng giả mạo

Một số giải pháp để hạn chế cửa hàng giả mạo

Theo chuyên gia, "chủ động tự bảo vệ mình" là giải pháp hữu hiệu nhất, cả đối với người mua lẫn doanh nghiệp. Bởi suy cho cùng, "thuận mua vừa bán", nếu người tiêu dùng không "dễ dãi" với quyết định "mua ngay", "thanh toán ngay" của mình thì khả năng sẽ "cắt đứt" được đường phát triển của các đối tượng mạo danh, lừa đảo. Trở thành người tiêu dùng thông thái và thông minh là yêu cầu tiên quyết để mỗi người mua tận dụng tối đa những lợi ích vượt trội mà thương mại điện tử mang lại.

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: