(HTV) - Những vụ lừa đảo trực tuyến tinh vi qua đường link giả mạo đang gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến nhiều người mất tài sản chỉ sau vài thao tác đơn giản.
Trong thời gian qua, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Công an các địa phương, bao gồm Công an TP.HCM, xử lý nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Những vụ án này thường do các đối tượng người Trung Quốc và Đài Loan, kết hợp với một số cá nhân người Việt Nam tại Myanmar, Philippines và Campuchia, thực hiện, gây thiệt hại lên đến hai nghìn tỷ đồng, khiến nhiều người trở thành nạn nhân.
Các vụ lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp.
Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng thông tin chính xác về tên và giấy tờ liên quan để tạo niềm tin. Sau đó, họ dẫn dụ nạn nhân kết bạn qua Zalo và cài đặt các ứng dụng giả mạo Chính phủ, Bộ Công an, Cục Thuế, hoặc Bảo hiểm xã hội. Khi nạn nhân kết nối qua các đường link giả mạo, mã độc sẽ được cài vào thiết bị, chiếm quyền điều khiển và đánh cắp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền.
Các đối tượng lừa đảo dụ dỗ nạn nhân kết bạn qua Zalo và cài đặt ứng dụng giả mạo
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Đào tạo An ninh mạng Athena, khuyến cáo về việc bảo mật dữ liệu cá nhân, đặc biệt là nguy cơ từ các đường link chứa mã độc. Nhiều thông tin cá nhân từ iPhone đã bị đánh cắp, sau đó nạn nhân bị tống tiền khi các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake A.I. để tạo ra các video, hình ảnh ghép vu khống, bôi nhọ danh dự và phát tán đến người quen của nạn nhân. Để đối phó, cơ quan chức năng cần có các biện pháp xử lý nghiêm và tổ chức một số phiên tòa công khai nhằm tuyên truyền và răn đe tội phạm lợi dụng công nghệ để lừa đảo.
Công an TP.HCM cũng khuyến cáo người dân cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, đặc biệt là với các số điện thoại lạ, và không kết bạn qua các tài khoản mạng xã hội để tránh bị dẫn dụ vào các đường link chứa mã độc.
Trong vụ việc của một nạn nhân bị lừa đảo, đối tượng tự xưng là nhân viên bảo hiểm xã hội và cung cấp một đường link giả mạo, vissid.gov.vn, khiến nạn nhân tin tưởng và thực hiện các thao tác như quét sinh trắc học. Kết quả là toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân "bốc hơi" sau khi truy cập vào đường link này. Vụ việc này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các ngân hàng, cần phải có biện pháp bảo vệ giao dịch chặt chẽ hơn, chẳng hạn như luôn gửi mã OTP về điện thoại của khách hàng cho dù có sử dụng xác thực sinh trắc học, để người dùng kịp thời nhận biết và ngăn chặn các giao dịch lừa đảo.
Các lực lượng an ninh đang tích cực xử lý và triệt phá các vụ án lừa đảo trực tuyến
Trước tình hình này, cơ quan công an cho biết thời gian gần đây đã liên tiếp triệt phá nhiều đường dây lừa đảo do người nước ngoài cầm đầu. Đồng thời, cơ quan đoàn thể cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống lừa đảo qua mạng, nhưng vì thủ đoạn ngày càng tinh vi nên các vụ lừa đảo và thiệt hại vẫn tiếp tục gia tăng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9