Cảnh báo chiêu trò dụ dỗ học sinh mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo

THU HIẾU - HỒ ĐỨC - TÀI NGUYỄN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 18/6/2024, 21:00

(HTV) - Việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua, bán thông tin tài khoản thanh toán có thể bị phạt tới 100 triệu đồng. Đây là quy định tại Nghị định 52 của Chính phủ, ban hành tháng 5/2024 về thanh toán không tiền mặt.

Nghị định nghiêm cấm cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán. Dù đã có quy định cụ thể nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, đã xuất hiện các đối tượng dụ dỗ học sinh - sinh viên mở tài khoản thanh toán trái phép. Ngay khi nắm thông tin này từ Ngân hàng Nhà nước, nhiều trường trên địa bàn TP.HCM đã lập tức có phương án cảnh báo nhanh đến sinh viên.

 Các trường cảnh báo sự xuất hiện các đối tượng dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán trái phép

Chặn chiêu trò dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo

Theo công văn cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước gửi đến UBND các tỉnh thành, qua nắm tình hình thực tế từ Bộ Công an cho thấy, đã có có những đối tượng dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán, sau đó chuyển lại cho những đối tượng này sử dụng. Đối tượng lấy thông tin sinh trắc học như vân tay hay móng mắt của nạn nhân, cung cấp cho học sinh điện thoại có sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán và dịch vụ Internet Banking, SMS Banking.

Tiến sĩ Lê Thế Tài - Trưởng phòng Công tác sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM

Tiến sĩ Lê Thế Tài - Trưởng phòng Công tác sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM cho biết ngay khi nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước, trường đã có cơ chế thông tin nhanh qua website nhà trường, trang Fanpage, các nhóm Zalo cán sự lớp, các đội nhóm của sinh viên. Thông báo được phát đi nhanh chóng, trường cũng đã nhận phản hồi có sinh viên từng bị một đối tượng tiếp cận đề nghị mở tài khoản thanh toán nhưng sinh viên ý thức được nên không mắc bẫy. Việc thông báo sớm và rộng rãi rất có ích cho sinh viên. 

Luật sư Nguyễn Tri Thắng - Công Ty Luật TNHH MTV Nam Hà dẫn thông tin từ Nghị định 88/2019 và Nghị định 52/2024 của Chính phủ cho biết, sẽ phạt 40-50 triệu đồng đối với trường hợp khi sử dụng 01 đến 10 tài khoản ngân hàng giao dịch không chính chủ, vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Sẽ phạt từ 50-100 triệu đồng khi sử dụng 10 tài khoản ngân hàng trở lên. Chính chủ sử dụng CCCD là đối tượng chịu hình phạt. Việc cho mượn, cho thuê thông tin cá nhân để mở tài khoản ngân hàng dù rất đơn giản nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng nếu đối tượng sử dụng số tài khoản của chính HSSV để rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ 01/7/2024 các giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu/ngày và giao dịch qua ví điện tử trên 20 triệu đồng/ngày phải xác nhận bằng sinh trắc học vân tay hoặc khuôn mặt. Quy định này giúp tăng tính bảo mật cho thông tin cá nhân của người dùng. Để ngăn chặn tận gốc hành vi lừa đảo, Tiến sĩ Lê Thế Tài - Trưởng phòng Công tác sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, cơ chế thông tin nhanh và chủ động góp phần rất lớn. Hiện trường đang tiến hành thêm các chương trình khuyến khích sinh viên không sử dụng sim rác, tiến hành đăng ký sim điện thoại chính chủ. Việc này không chỉ phục vụ thanh toán trực tuyến mà còn giúp sinh viên thực hiện các thủ tục trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tốt hơn.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Thanh Toán, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Thanh Toán, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho biết, NHNN là bộ ngành đầu tiên ký kết với bộ công an kế hoạch 01 triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sử dụng dữ liệu sinh trắc học làm cơ sở xác định chính chủ trong tài khoản ngân hàng và giao dịch môi trường số. Sau hơn một năm thì nay hầu hết tổ chức tín dụng đã triển khai công nghệ này để làm sạch dữ liệu khách hàng. Những hành vi lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán, thông tin thẻ ngân hàng, thông tin ví điện tử cũng vi phạm pháp luật. Đồng thời, chủ tài khoản thanh toán không được cho thuê, cho mượn, mua bán tài khoản thanh toán.

Đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, giá trị thanh toán bình quân đạt tới 830.000 tỷ đồng/ngày. 4 tháng đầu năm 2024, có khoảng 4,9 tỷ giao dịch, giá trị hơn 87 triệu tỷ đồng không dùng tiền mặt.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: